EU thống nhất lập trường chung tại hội nghị G-20

Duy trì các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó khủng hoảng, kết thúc vòng đàm phán Doha... là những vấn đề mà G-20 phải kết luận.
Duy trì các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với khủng hoảng, kết thúc vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu đúng thời hạn, công bố các biện pháp trừng phạt những ngân hàng thưởng quá mức... là những vấn đề chính mà Liên minh châu Âu (EU) sẽ hối thúc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) phải đi đến kết luận cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh ở Pittsburgh, Mỹ trong các ngày 24 - 25/9 tới.

Theo dự thảo tuyên bố được chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/9 tới - chắc chắn được coi như lập trường chung của khối này tại Hội nghị Pittsburgh, G-20 cần khẳng định lại quyết tâm tiếp tục thực hiện các biện pháp chính sách có phối hợp nhằm tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững và tránh để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Những chính sách này phải được duy trì cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi thực sự.

Dự thảo tuyên bố nhấn mạnh trong khi chính sách kích thích tài chính phải được thực hiện có phối hợp trên toàn cầu, quyết định này cũng nên tính đến tình hình cụ thể của mỗi nước G-20.

EU cũng sẽ kêu gọi trao cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vai trò chủ chốt trong việc điều phối chính sách toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ IMF thêm 125 tỷ euro, nhiều hơn 75 tỷ so với cam kết hồi đầu năm.

Văn bản trên của EU nhấn mạnh G-20 nên thúc đẩy tiến bộ trong tự do hóa thương mại toàn cầu, bao gồm kết thúc vòng đàm phán Doha vào năm 2010, như đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Nga (G-8) ở L'Aquila, Italy.

EU cũng sẽ hối thúc G-20 khẳng định lại lập trường chống bảo hộ mậu dịch, đồng thời hoan nghênh việc thực hiện đầy đủ gói hỗ trợ thương mại trị giá 250 tỷ USD đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 vừa qua của nhóm này ở London, Anh.

Về vấn đề tiền thưởng trong khu vực ngân hàng, văn bản kêu gọi G-20 đưa ra những quy định mang tính ràng buộc về mức độ tiền thưởng và yêu cầu minh bạch hơn về cơ cấu tiền thưởng. EU muốn tiền thưởng cho giới chủ ngân hàng phải được gắn với hoạt động lâu dài của công ty và phải được thu hồi nếu công ty hoạt động kém hiệu quả. Các nhà lãnh đạo EU cũng muốn chấm dứt việc thưởng bằng cổ phiếu.

Về vấn đề tiền thưởng trong khu vực ngân hàng, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trước đó đã thể hiện lập trường cứng rắn khi tuyên bố sẽ rút khỏi Hội nghị Pittsburgh nếu cuộc họp không đi đến thỏa thuận nhằm hạn chế vấn đề này.

Ủy ban Ổn định Tài chính, nhóm các nhà giám sát tài chính quốc tế, ngày 15/6 tuyên bố sẽ thông báo với Hội nghị Pittsburgh những đường hướng chỉ đạo về mức thưởng và những thông tin cần làm sáng tỏ liên quan đến tiền thưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục