EU tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Các bộ trưởng và nhà ngoại giao trong EU nhóm họp tìm biện pháp cải thiện quan hệ giữa cộng đồng nghiên cứu và ngành công nghiệp.
Ngày 1/2, các bộ trưởng và nhà ngoại giao phụ trách về khoa học và giáo dục trong Liên minh châu Âu nhóm họp tại Copenhagen (Đan Mạch) tìm biện pháp cải thiện quan hệ giữa cộng đồng nghiên cứu và ngành công nghiệp, như một nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Chủ đề chính của cuộc họp là chương trình mang tên "Chân trời 2020" trị giá 80 tỷ euro (khoảng 105,6 tỷ USD) được vận hành từ năm 2014 đến 2020, nhằm tăng cường công tác nghiên cứu cấp cao trong toàn EU, cải thiện vai trò tiên phong của ngành công nghiệp trong thời kỳ đổi mới và tìm ra giải pháp trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và năng lượng tái sinh.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Đổi mới Đan Mạch, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Morten Oestergaard cho biết cuộc họp đã thảo luận cách thức giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng nhất với chương trình "Chân trời 2020" và giúp các cơ quan nghiên cứu tập trung vào khoa học chứ không phải quản lý.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Ủy viên EU phụ trách Nghiên cứu, Đổi mới và Khoa học Maire Geoghegan-Quinn cho biết chương trình "Chân trời 2020" là nỗ lực thực sự của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm hỗ trợ quyền nghiên cứu trong cả các dự án đổi mới lẫn phát triển thị trường.

Bà khẳng định với Công ước mới siết chặt quy định tài chính được 25/27 nước thành viên EU thông qua ngày 30/1 vừa qua, các chính phủ trong EU sẽ phải suy nghĩ thận trọng về các ưu tiên đầu tư, chứ không phải giảm đầu tư cho nghiên cứu, đặc biệt là phải tập trung hỗ trợ và đầu tư vào những lĩnh vực có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng Nghiên cứu và Đổi mới các nước thành viên EU sẽ cùng các bộ trưởng phụ trách thị trường trong nước có cuộc họp không chính thức tại Copenhagen trong các ngày 2-3/2 nhằm trao đổi về thị trường kỹ thuật số khu vực và tìm biện pháp xóa bỏ sự cách biệt giữa cộng đồng khoa học và ngành công nghiệp nhằm biến tri thức thành việc làm.

Theo ông Oestergaard, EU phải đạt thỏa thuận về cơ cấu chương trình "Chân trời 2020" vào tháng 5/2012 nhằm tránh sự chênh lệch nguồn vốn giữa các chương trình nghiên cứu hiện nay và trong tương lai.

Theo số liệu thống kê công bố ngày 1/2, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bỉ, nền kinh tế lớn thứ sáu trong Khu vực đồng euro, giảm 0,2% trong quý I4 năm 2011, sau khi đã giảm 0,1% quý trước đó.

Với 2 quý tăng trưởng GDP giảm liên tiếp, Bỉ chính thức rơi vào suy thoái kinh tế theo qui ước của cộng đồng kinh tế thế giới, trở thành nước thành viên chưa xin cứu trợ đầu tiên trong Khu vực đồng euro rơi vào suy thoái kinh tế.

Nhiều nhà kinh tế cho biết họ không ngạc nhiên với các số liệu vừa công bố ở Bỉ vì mức giảm 0,2% còn thấp hơn một chút so với dự báo.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế hy vọng kinh tế Bỉ sẽ có sự khởi sắc trong quý đầu năm 2012, đặc biệt là sau khi Brussels tháng 12 năm ngoái áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm 11,3 tỷ euro (14,8 tỷ USD) chi tiêu ngân sách nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục