EU và Nga duy trì hợp tác bất chấp các biện pháp trừng phạt

EU đang nỗ lực hợp tác với Nga trong các lĩnh vực, bất chấp các biện pháp trừng phạt liên quan vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc và cáo buộc của Hà Lan về tấn công mạng.
EU và Nga duy trì hợp tác bất chấp các biện pháp trừng phạt ảnh 1Đại sứ EU tại Nga Markus Ederer. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực hợp tác với Nga trong các lĩnh vực mà cả hai bên cùng quan tâm, bất chấp các biện pháp trừng phạt liên quan vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc ở thành phố Salisbury của Anh và cáo buộc của Hà Lan về tấn công mạng.

Thông tin trên được Đại sứ EU tại Nga Markus Ederer tuyên bố với báo giới trong chuyến thăm thành phố Tomsk của Nga, ngày 8/10.

Theo Đại sứ EU, các vụ việc trên gây phương hại nghiêm trọng tới quan hệ song phương và là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, ông Ederer cho rằng cần áp dụng nguyên tắc thực dụng.

Một mặt, EU kiên quyết giữ vững những nguyên tắc cụ thể, đặc biệt tuân thủ luật pháp quốc tế và thiết lập trật tự pháp lý quốc tế dựa trên luật pháp.

Mặt khác, EU đang nỗ lực hợp tác một cách thực dụng với các nước trong các lĩnh vực cùng quan tâm và EU luôn tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề này.

Ông Ederer nêu rõ bất chấp các lệnh trừng phạt và trả đũa lẫn nhau, EU và Nga vẫn duy trì một số lĩnh vực hợp tác, được gọi là “đảo hợp tác” như hợp tác liên vùng, hợp tác xuyên biên giới, hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, thậm chí trao đổi sinh viên.

[Áo đề cao hợp tác với Nga đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu]

Trước đó, Đại sứ Ederer đã tham dự lễ khai mạc Liên hoan phim châu Âu tổ chức tại thành phố Tomsk, đồng thời thăm thành phố này. Nhiều đại sứ và quan chức ngoại giao từ 15 nước EU cũng tham dự sự kiện trên.

Theo ông, mục đích của chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa EU và Nga trong lĩnh vực kinh doanh, hợp tác đại học và công nghệ cao.

Quan hệ giữa Nga và EU liên tục căng thẳng nhiều tháng nay. Tháng Ba vừa qua, Anh đã cáo buộc Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Skripal và con gái Julia bị đầu độc tại Salisbury.

Mặc dù Anh không đưa ra bằng chứng nào và Moskva kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, song nhiều nước EU cũng đã áp dụng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả việc trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga.

Mới đây nhất, ngày 4/10 vừa qua, Hà Lan cáo buộc các nhân viên tình báo quân đội Nga hồi tháng Tư vừa qua tìm cách xâm nhập mạng máy tính của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định những cáo buộc trên là lố bịch, xuất phát từ một chiến dịch của phương Tây nhằm chống Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục