Tại cuộc họp vào ngày 30/9 tại Brussels, bộ trưởng năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp nhằm hạ giá năng lượng khi mùa Đông tới gần, trong lúc các vấn đề của đường ống dẫn khí đốt từ Nga trong tuần này khiến nỗ lực này thêm phức tạp.
Các bộ trưởng sẽ cân nhắc đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó có việc cắt giảm mức tiêu thụ điện trong khối, đánh thuế lên lợi nhuận của các công ty năng lượng và thảo luận về trần giá khí đốt đối với các nguồn cung khí đốt bán buôn.
Các lệnh trừng phạt mà EU nhằm vào Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó có việc cấm phần lớn lượng nhập khẩu dầu mỏ của Nga từ tháng 12/2022, khiến Nga đáp trả bằng việc giảm mạnh nguồn cung khí đốt tự nhiên.
Tình trạng rò rỉ đoạn dưới biển của các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 từ Nga đến Đức đã khiến tình hình thêm phức tạp.
Tình hình trở nên đáng báo động hơn khi người dân đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng cao.
[Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về việc áp giá trần khí đốt]
Business Europe, nhóm vận động hành lang đại diện cho các doanh nghiệp ở EU, cảnh báo tình trạng giá điện và khí đốt cao như hiện nay tiềm ẩn rủi ro gây thiệt hại cho sản xuất và khiến hàng nghìn công ty phải đóng cửa.
Quốc gia EU chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc khủng hoảng năng lượng là Đức, cường quốc xuất khẩu của khối nhưng phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Sau khi lạm phát tăng lên 10%, Chính phủ Đức thông báo sẽ vay 200 tỷ euro (gần 194 tỷ USD) để bảo vệ người dân và doanh nghiệp nước này.
Trong khi đó, các quốc gia trong khối cũng đã thực hiện các sáng kiến với tổng giá trị hàng trăm tỷ euro.
EC đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác nhằm đạt được sự tiếp cận chung trong khối về vấn đề năng lượng.
Ủy viên về năng lượng của EU, Kadri Simson, cho rằng nhu cầu toàn cầu về khí đốt đã vượt nguồn cung. Bà nói việc áp trần giá khí đốt bán buôn ở EU là có thể nếu biện pháp khác không mang lại kết quả.
Một đề xuất cốt lõi đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ là đánh thuế trên lợi nhuận của các nhà sản xuất điện không sử dụng khí đốt và các công ty năng lượng lớn khác.
Việc đánh thuế như vậy theo tính toán sẽ huy động được 140 tỷ euro và có thể được sử dụng để hỗ trợ người tiêu dùng.
Một đề xuất khác là khuyến khích giảm tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, nhóm tư vấn Bruegel ở Brussels cho rằng các biện pháp trên là không đủ. Nhóm này cho rằng cần một kế hoạch toàn diện hơn để đảm bảo rằng tất cả các nước có thể linh hoạt về nguồn cung, thực hiện các nỗ lực thực sự để giảm nhu cầu điện và khí đốt, mở cửa các thị trường năng lượng và đạt được các thỏa thuận tốt hơn với các nhà cung cấp khí đốt bên ngoài./.