Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về việc áp giá trần khí đốt

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho hay vào thời điểm hiện tại, khó có thể dự đoán liệu có khả năng đạt được đồng thuận giữa các quốc gia về việc áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga hay không.
Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về việc áp giá trần khí đốt ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin (Đức) ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ngày 29/9 cho biết các quốc gia thành viên EU vẫn bất đồng về việc liệu có áp giá trần khí đốt hay không, vấn đề sẽ được thảo luận tại cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng EU diễn ra ngày 30/9.

Nhà ngoại giao cấp cao EU nêu rõ: "Vào thời điểm hiện tại, chưa đạt được mức độ đồng thuận về vấn đề giá trần." Quan chức này cũng cho hay khó có thể dự đoán liệu có khả năng đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về việc áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga hay không.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về đề xuất khẩn cấp của Ủy ban châu Âu (EC), trong đó có việc cắt giảm sử dụng điện trong liên minh, áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty năng lượng và mức giá trần đối với khí đốt bán buôn.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 28/9, EC đã cảnh báo các nước thành viên EU rằng việc áp dụng mức trần giá khí đốt nói chung sẽ phức tạp và gây ra những nguy cơ về an ninh năng lượng. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên kêu gọi EU can thiệp để kiềm chế giá nhiên liệu tăng.

[Liên minh châu Âu sẽ phản ứng "mạnh mẽ" sau vụ rò rỉ khí đốt]

Vấn đề năng lượng ở châu Âu càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần và các vụ rò rỉ khí đốt xảy ra mới đây trên hai tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2.

Lo ngại rủi ro sau sự cố của hai tuyến đường ống trên được cho là do hành động phá hoại, Phần Lan ngày 29/9 cho biết sẽ tăng cường an ninh bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Annika Saarikko nêu rõ: “Chúng tôi đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ đảm bảo sự sẵn sàng và tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng khác nhau.” Cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm mạng lưới điện và nguồn cung cấp nước.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Thụy Điển, hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân của nước này - Ringhals và Forsmark - đã nâng mức báo động lên mức "tăng cường cảnh giác" do tình hình an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục