Eurelectric: Châu Âu cần tăng gấp đôi đầu tư vào lưới điện tới năm 2050

Việc tăng đầu tư vào lưới điện sẽ giúp châu Âu giảm đáng kể lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, tạo ra hàng triệu việc làm, tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon.

Mạng lưới điện tại Verfeil, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mạng lưới điện tại Verfeil, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 22/5, các nước châu Âu cần phải tăng gấp đôi khoản đầu tư vào lưới điện phân phối tới năm 2050 nếu không muốn bỏ lỡ các mục tiêu về khí thải do Thỏa thuận Xanh của châu Âu đề ra.

Theo kết quả nghiên cứu do Eurelectric công bố, tiền đầu tư lưới điện phân phối cần tăng từ mức trung bình 33 tỷ euro (35,78 tỷ USD) lên 67 tỷ euro mỗi năm từ năm 2025 đến năm 2050.

Số tiền này tương đương khoảng 20% chi tiêu nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2023.

Eurelectric, liên đoàn ngành điện châu Âu, đại diện cho hơn 3.500 công ty điện lực châu Âu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối và cung cấp điện trên khắp lục địa này.

Vào ngày khai mạc của một diễn đàn được tổ chức tại Athens (Hy Lạp), liên đoàn đã trình bày nghiên cứu "Grids for Speed" (tạm dịch: Lưới điện cho tốc độ), nêu chi tiết về nhu cầu đầu tư cho ngành.

Eurelectric cho rằng lưới điện phân phối của châu Âu cần phải được hiện đại hóa để cho phép điện khí hóa giao thông vận tải, sưởi ấm và công nghiệp, đồng thời tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo nghiên cứu, việc tăng đầu tư vào lưới điện sẽ giúp châu Âu giảm đáng kể lượng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, tạo ra hàng triệu việc làm, tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh quá trình giảm phát thải carbon cho nền kinh tế châu Âu.

Chủ tịch Eurelectric Leonhard Birnbaum cho biết: "Để quá trình chuyển đổi năng lượng thành công, EU cần một lượng lớn năng lực lưới điện bổ sung, cái giá phải trả nếu không đầu tư thậm chí còn cao hơn."

Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 2/2024 đã đề nghị các nước EU tiếp tục hạn chế tiêu thụ khí đốt, nhưng nới lỏng chính sách khi cho phép hoàn toàn tự nguyện, một dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này có thể đã qua.

Các nước EU năm 2022 đặt mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong các tháng mùa Đông, một trong số nhiều biện pháp khẩn cấp đã được thông qua sau khi Nga giảm nguồn cung cho châu Âu, gây khủng hoảng và khiến giá cao kỷ lục.

EC đã khuyến nghị các nước cần tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, EC đã hủy bỏ yêu cầu bắt buộc như đã được nhất trí vào năm 2022.

Theo các quan chức EU, một số nước cho rằng chính sách trên không còn cần thiết, do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã qua và các nước đã liên tục giảm nhu cầu khí đốt kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine.

EC nhận định tình hình nguồn cung năng lượng ở châu Âu đã cải thiện đáng kể, khi các nước đã thay thế nguồn cung của Nga bằng năng lượng tái tạo và khí đốt từ các nguồn cung khác.

Tuy nhiên, EC cho rằng khi các thị trường khí đốt toàn cầu thắt chặt và mục tiêu của EU là dừng hoàn toàn sử dụng dầu mỏ và khí đốt của Nga, việc tiếp tục giảm mức tiêu thụ là cần thiết.

Trong khi đó, mức tiêu thụ khí đốt tại các quốc gia EU giảm 18% kể từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2023.

Năm 2019, Nga và Ukraine đã ký thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước EU thông qua hệ thống đường ống kéo dài 5 năm.

Cả hai nước vẫn tiếp tục tôn trọng thỏa thuận này bất chấp hai năm căng thẳng nổ ra ở Ukraine.

Nhưng hiện nay, EU có thể sẽ nhận ít khí đốt của Nga hơn sau khi Ukraine ra tín hiệu nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận khi hết hạn vào ngày 31/12/2024.

Tuy vậy, người phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã chỉ ra rằng khối này cũng không hào hứng với việc thúc đẩy gia hạn thỏa thuận này.

Nhà phân tích cấp cao Aura Sabadus tại công ty tình báo thị trường ICIS, nói với tờ Politico rằng Áo, Hungary và Slovakia có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi cắt giảm nhập khẩu.

Một kịch bản như trên xảy ra có thể sẽ gây ra một đợt tăng giá khí đốt khác, sau đợt giá cao kỷ lục ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Brussels đã kêu gọi các nước EU loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Cho đến nay khối này đã cố gắng loại bỏ khoảng 70% lượng khí đốt nhập khẩu của Nga và tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy.

Ủy ban châu Âu cho biết việc mất nguồn cung cấp của Nga qua Ukraine có thể dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn trong khi thuế lưu trữ áp đặt giữa các quốc gia trong khối có thể "làm cho việc đa dạng hóa này trở nên khó khăn và tốn kém hơn."

May mắn là châu Âu hiện có nguồn dự trữ khí đốt đang ở mức cao lịch sử. Các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Standard Chartered dự đoán lượng khí đốt dự trữ của EU sẽ ở mức cao kỷ lục, tạo tiền đề cho một mùa Hè giá thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục