“Eurozone cần xây liên minh kinh tế sâu rộng hơn”

Theo ECB, Eurozone cần xây liên minh kinh tế sâu rộng hơn, cho phép can thiệp ngân sách quốc gia và ngăn chặn thành viên bị nợ nhiều.
Các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cần xây dựng một liên minh kinh tế sâu rộng hơn, cho phép tập trung quyền hạn trong việc can thiệp vào ngân sách quốc gia và ngăn chặn các nước thành viên bị nợ quá nhiều.

Theo ông Joerg Asmussen, thành viên sáng lập thuộc Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), các nhà lãnh đạo Eurozone hy vọng một thỏa thuận hội nhập sâu rộng hơn, kể cả khi nó là một dự án kéo dài cả thập kỷ, sẽ giúp giải tỏa nỗi lo của các nhà đầu tư vốn đang quan ngại về sự sụp đổ của đồng euro.

Phát biểu tại Brussels (Bỉ) ngày 17/7, ông Asmussen giải thích rằng liên minh kinh tế với tên gọi "chia sẻ chủ quyền nhiều hơn" có nghĩa là Eurozone có quyền hạn chế khả năng vay nợ của các nước, cũng như có quyền can thiệp vào ngân sách quốc gia và buộc các nước thành viên điều chỉnh các chính sách thuộc những lĩnh vực ngân sách, cơ cấu và tài chính.

Tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo Eurozone đã nhất trí bắt đầu hợp tác xây dựng một liên minh kinh tế, tài chính và ngân hàng, theo đó có thể bổ sung cho liên minh tiền tệ hiện nay và giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, chi tiết từng giai đoạn của tiến trình hội nhập sâu rộng này được thảo luận trong 6 tháng tới.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, ngày 17/7, Pasok, một trong 3 đảng trong chính phủ liên minh của Hy Lạp đã tuyên bố cam kết của Aten sẽ tiết kiệm 11,5 tỷ euro (14 tỷ USD) trong 2 năm tới nhằm đổi lấy các khoản vay trong gói cứu trợ chung thứ hai trị giá 130 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ECB, dường như "bất khả thi".

Phát biểu trên đài phát thanh FM Vima, lãnh đạo Pasok, ông Evangelos Venizelos khẳng định: "Rất khó, thậm chí gần như không thể huy động được khoản tiền 11,5 tỷ euro thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm 2013 và 2014".

Theo ông Venizelos, khó khăn lại càng chồng chất khi những dự báo về tình trạng suy thoái của nước này ngày càng trầm trọng. Nguồn tin từ chính phủ cho biết kinh tế Hy Lạp có thể sẽ giảm 6,7% trong năm 2012, cao hơn nhiều so với dự báo trước đây giảm 4,5% GDP.

Trước bối cảnh này, ông Venizelos kêu gọi nhóm "bộ ba" chủ nợ cho phép Aten kéo dài thêm 3 năm thời gian thực thi chương trình "thắt lưng buộc bụng" và phục hồi kinh tế đến năm 2017 nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế đã đẩy Hy Lạp rơi vào suy thoái suốt 5 năm qua.

Thủ tướng Antonis Samaras, trước đó trong khuôn khổ cuộc đàm phán với nhóm "bộ ba" chủ nợ cũng khẳng định Hy Lạp cần thêm thời gian để phục hồi kinh tế và đổi lại Aten cam kết sẽ đáp ứng tất cả các chỉ tiêu ngân sách theo yêu cầu của các định chế tài chính trên.

Theo kế hoạch, các chuyên gia kinh tế của nhóm "bộ ba" chủ nợ sẽ tới Hy Lạp vào tuần sau để tiến hành cuộc khảo sát mới về chương trình kinh tế của chính phủ liên minh, vừa được thành lập sau cuộc bầu cử lại diễn ra ngày 17/6.

Trước đó, đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ cũng đã có cuộc thanh tra về hoạt động tài chính của Hy Lạp, tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định nước này đạt được rất ít kết quả từ chương trình cải cách cơ cấu như đã cam kết trong 2 tháng qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục