EVN huy động các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí đảm bảo điện tháng cuối năm

EVN sẽ huy động cao tất cả các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí; các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu, đảm bảo cấp điện tháng 12.

EVN đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)
EVN đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong tháng 12/2023 sẽ tiếp tục bảo đảm cung ứng đủ điện, trong đó sẵn sàng đảm bảo cung ứng điện trong các kỳ nghỉ Lễ Noel và Tết Dương lịch. Sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống tháng 12 dự kiến ở mức 773,3 triệu kWh/ngày, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Mục tiêu là đảm bảo vận hành ổn định, an toàn, tin cậy hệ thống điện. Tiếp tục huy động cao tất cả các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí; các nhà máy thủy điện khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu, mục tiêu tích nước lên mực nước dâng bình thường vào cuối năm.

Về công tác nguồn điện, EVN sẽ tiếp tục tập trung lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nguồn điện trọng điểm, như: Nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng; hoàn thiện các thủ tục thu xếp vốn cho dự án Thủy điện Trị An mở rộng.

Ngoài ra, EVN cũng quyết liệt chỉ đạo và đôn đốc tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thi công các công trình lưới điện trọng điểm như: đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối; các dự án giải tỏa nguồn thủy điện, nhập khẩu điện, giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo để trình cấp có thầm quyền xem xét phê duyệt.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2024, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỷ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2024 tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được huy động theo nhu cầu phụ tải điện và khả năng hấp thụ của lưới điện.

Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2024 cơ bản sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong việc cung cấp điện như không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu đang ở giai đoạn suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Vì vậy, tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu; đảm bảo độ sẵn sàng, khả dụng cao của các tổ máy phát điện; lập các kế hoạch cung cấp điện chi tiết, cụ thể cho từng tháng, từng tuần; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện và các dự án có trong kế hoạch được phê duyệt đảm bảo giải toả công suất cho các nguồn điện, giảm tải cho các đường dây, máy biến áp đang phải vận hành đầy và quá tải.

vnp_diẹngio.JPG
Điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn, giúp đảm bảo an ninh năng lượng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty khí Việt Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quá trình thực hiện phương án cung cấp, ưu tiên huy động khí cho sản xuất điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, bảo đảm hiệu quả tối ưu của chuỗi khí-điện và lợi ích quốc gia.

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Đông Bắc lập kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục, đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại cho các nhà máy nhiệt điện than theo các điều khoản hợp đồng đã ký để đảm bảo phát điện.

Song song với việc đảm bảo nguồn cung cho phát điện, việc thực hiện các chương trình về Quản lý nhu cầu điện và Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cũng là một giải pháp rất quan trọng cho hệ thống điện quốc gia không những trong năm 2024 mà cả các nước tiếp theo.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục