FAO lo ngại về tình trạng ô nhiễm đất ở Trung Quốc

FAO đánh giá cao các nỗ lực của Trung Quốc bảo đảm an ninh lương thực nhưng cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiễm đất ở nước này.
Theo Tân Hoa xã ngày 9/6, các chuyên gia của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đánh giá cao những nỗ lực của Trung Quốc trong việc bảo đảm an ninh lương thực nhưng cũng bày tỏ lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn do ô nhiễm đất gây ra.

Tổng Giám đốc FAO, ông Jose Graziano da Silva, cho biết FAO rất quan ngại về tình trạng ô nhiễm nói chung ở Trung Quốc. Theo ông, an ninh lương thực không chỉ yêu cầu sử dụng các loại phân bón ít hơn mà còn cần phải quản lý các nguồn nước tốt hơn.

Tháng Năm vừa qua, ba nhà máy xay xát gạo ở tình Hồ Nam (Trung Quốc) bị điều tra sau khi có những phát hiện gạo từ các nhà máy này nhiễm cadmium, một hóa chất có khả năng gây ung thư.

Theo Cục Quản lý Lương thực và Dược phẩm Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), một cuộc điều tra tiến hành trong quý 1 năm nay cho thấy 44,4% gạo và các sản phẩm từ gạo ở Quảng Châu cũng bị nhiễm lượng cadmium vượt mức cho phép.

[Trung Quốc: Phát hiện gạo có độc ở Quảng Đông]

Mặc dù chưa phát hiện được nguồn gốc gây ra tình trạng nhiễm hóa chất như trên, kim loại nặng ở trong phân bón đã gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu và đất trồng trọt. Các nhà quản lý nông nghiệp ở tỉnh Hồ Nam hồi năm ngoái đã cho biết ô nhiễm kim loại nặng đang phát tán rộng từ các cơ sở sản xuất nông nghiệp ở thành thị đến các vùng nông thôn.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), năm 2011, Trung Quốc sản xuất khoảng 6,21 triệu tấn phân bón, chiếm khoảng 20% tổng lượng phân bón toàn thế giới và đưa nước này trở thành nhà sản xuất phân bón lớn nhất.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là quốc gia sử dụng phân bón nhiều nhất, hàng năm tiêu thụ khoảng 30% tổng lượng phân bón thế giới.

Theo giáo sư Phan Căn Hưng, một chuyên gia nông nghiệp của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc), lạm dụng phân bón sẽ làm gia tăng mức độ phụ thuộc của đất vào các loại thuốc trừ sâu.

Chuyên gia kinh tế Merritt Cluff của FAO nhận xét: "Những vấn đề ô nhiễm đất và an ninh lương thực là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ xảy ra ở những quốc gia tăng trưởng nhanh."

Chuyên gia này nhấn mạnh bài toán Trung Quốc gặp phải là tỷ lệ bình quân đất đai và nguồn nước trên đầu người. Theo đó, Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt vì sự khan hiếm đất và nguồn nước cùng kết hợp gây khó khăn.

Theo Cluff, một số quốc gia khác có thể cũng trải qua giai đoạn tương tự nhưng họ không vấp phải sức ép tăng trưởng lớn như vậy.

Để giải quyết các vấn đề nói trên, các chuyên gia FAO khuyến nghị Chính phủ Trung Quốc tăng cường đầu tư để có được năng lực sản xuất lớn, đồng thời quản lý chặt chẽ việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục