FAO thúc đẩy mô hình 3 bên trong hợp tác Nam-Nam

FAO tiếp tục thúc đẩy mô hình 3 bên trong hợp tác Nam-Nam, mô hình được đánh giá là mang lại hiệu quả cao trong hỗ trợ các nước nghèo.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) tiếp tục thúc đẩy mô hình 3 bên trong hợp tác Nam-Nam, mô hình được đánh giá là mang lại hiệu quả cao trong hỗ trợ các nước nghèo cải thiện an ninh lương thực trong xu thế các nước phương Nam ngày càng dành nhiều nguồn lực tài chính và công nghệ để hỗ trợ nhau xóa đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển.

Trợ lý Tổng Giám đốc FAO Laurent Thomas nhấn mạnh khi những bất ổn kinh tế thế giới tiếp tục tác động bất lợi đến dòng viện trợ phát triển chính thức Bắc-Nam, hợp tác Nam-Nam đang tạo ra và thúc đẩy quan hệ đối tác giúp tăng cường trao đổi trực tiếp dòng vốn và công nghệ giữa các nước phương Nam.

Tổng cộng 47 hiệp định hợp tác 3 bên giữa FAO và 2 nước đang phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe, châu Á-Thái Bình Dương đã được ký kết và có hiệu lực nhằm cung cấp, hỗ trợ công nghệ và tài chính giữa các nước nghèo đang phát triển với các nước đang phát triển có ưu thế hơn.

Sáng kiến hợp tác Nam-Nam theo mô hình này (SSC) đã được FAO khởi xướng năm 1996 để cung cấp, hỗ trợ công nghệ giúp các nước nghèo đảm bảo an ninh lương thực.

Kinh nghiệm của FAO với SSC cho thấy các nguồn tri thức và kỹ năng của các chuyên gia từ các nước đang phát triển đã góp phần vô giá giúp hiện đại hoá nông nghiệp quy mô nhỏ ở các nước phương Nam.

Tham gia chương trình SSC có hơn 1.500 chuyên gia và kỹ thuật viên các nước đang phát triển. Các chuyên gia Việt Nam đã giúp thực hiện chương trình thủy lợi ở Sát để trồng lúa, tăng sản lượng lương thực và cải thiện chế biến lương thực.

Theo hiệp định 3 bên SSC ký với FAO năm 2010, 10 chuyên gia Việt Nam đã giúp Sát thực hiện các chương trình này trong chương trình 5 năm của Sát với nguồn kinh phí 200 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục