FDA Mỹ đánh giá dữ liệu liên quan liều tăng cường vaccine COVID

Quan chức y tế Mỹ và nhà sản xuất vaccine đã khuyến nghị tiêm thêm một liều vaccine tăng cường, trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng không có đủ bằng chứng để tiêm thêm liều cho người dưới 65 tuổi.
FDA Mỹ đánh giá dữ liệu liên quan liều tăng cường vaccine COVID ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/9, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã triệu tập một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập để đánh giá việc tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech.

Các quan chức y tế Mỹ và một số quốc gia khác cũng như các nhà sản xuất vaccine đã khuyến nghị tiêm thêm một liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và chuyên gia về vaccine cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy cần tiêm liều tăng cường đối với những người dưới 65 tuổi.

Do đó, một số nhà khoa học khuyến nghị tiêm trước liều tăng cường cho người trên 65 tuổi. Dự kiến, quyết định cuối cùng sẽ được ủy ban các chuyên gia độc lập của FDA Mỹ đưa ra sau cuộc họp cùng ngày.

Hãng Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng liều vaccine tăng cường cho những người từ 16 tuổi trở lên. Ủy ban các chuyên gia độc lập của FDA đã được yêu cầu cân nhắc các yếu tố về tính an toàn và hiệu quả để ra quyết định liệu có cho phép tiêm vaccine liều tăng cường cho người trên 16 tuổi sau ít nhất sáu tháng sau mũi thứ hai hay không.

Tháng trước, FDA Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna Inc làm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh một số nước, trong đó có Israel và Đức, có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm chủng mũi tăng cường để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng dịch bệnh khác do sự lây lan của biến thể Delta.

Hiện các nhà khoa học vẫn có ý kiến chia rẽ về việc mở rộng tiêm mũi tăng cường cho người không có vấn đề về sức khỏe cũng như những lợi ích của mũi vaccine tăng cường này chưa được làm rõ.

[Vaccine COVID-19 của Moderna giảm hiệu quả theo thời gian]

Trước đó, hãng sản xuất vaccine Pfizer cho biết hiệu quả vaccine phòng chống COVID-19 của hãng giảm dần theo thời gian, từ mức 96% trong bốn tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, giảm còn 84% sau đó. Moderna cũng cho rằng cần tiêm mũi tăng cường để phòng bệnh, đặc biệt biến thể Delta đã "chọc thủng" hàng rào bảo vệ ở những người đã tiêm chủng vaccine đầy đủ.

Ngày 17/9, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) cho biết, sau khi xem xét các dữ liệu hiện có, cơ quan này chưa thể xác nhận việc liệu phụ nữ và người trưởng thành trẻ tuổi có nguy cơ hình thành huyết khối và giảm tiểu cầu cao hơn sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca hay không.

Theo EMA, những hạn chế trong cách thu thập dữ liệu đồng nghĩa cơ quan này không thể xác định bất kỳ yếu tố rủi ro cụ thể nào làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu hội chứng (TTS).

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca từng gặp một số trở ngại, như trì hoãn sản xuất, một số ít trường hợp xảy ra các phản ứng phụ sau khi tiêm, trong đó có TTS, khiến một số nước hạn chế hoặc ngừng sử dụng loại vaccine này, các cơ quan quản lý tiến hành điều tra và đưa ra cảnh báo.

EMA đã xem xét các trường hợp TTS từ tháng Ba vừa qua và nhận thấy hiện tượng này có thể liên quan đến vaccine của AstraZeneca và vaccine một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khẳng định rằng các lợi ích của cả hai loại vaccine này lớn hơn rủi ro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục