Fed tăng lãi suất lần thứ 11: Tỷ giá, lãi suất chịu những áp lực gì?

Các chuyên gia cho rằng mặc dù có chịu ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất nhưng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD.
Fed tăng lãi suất lần thứ 11: Tỷ giá, lãi suất chịu những áp lực gì? ảnh 1Các chuyên gia nhận định, Fed tăng lãi suất không tác động nhiều đến tỷ giá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không nằm ngoài dự đoán, sau hai ngày họp, Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, lên biên độ từ 5,25% tới 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ khi Fed đẩy nhanh nỗ lực chống lạm phát từ tháng Ba năm ngoái và động thái này diễn ra 1 tháng sau khi Fed tạm dừng nâng lãi suất nhằm đánh giá tình trạng nền kinh tế Mỹ sau khi 3 ngân hàng lớn ở nước này sụp đổ mùa Xuân năm nay.

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Fed tăng lãi suất tuy có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không lớn.

Không tác động nhiều đến tỷ giá

Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25%-5,5%, cao nhất kể từ năm 2001. Thông thường Fed tăng lãi suất, chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động không đáng kể đến tỷ giá trong nước.

Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung-cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2023.

[Mỹ: Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất trong vòng 22 năm]

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 nước có dòng kiều hối đổ về lớn nhất. Năm 2022, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đón 19 tỷ USD kiều hối, tăng 5% so với năm 2021. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm nay lượng kiều hối chuyển về đạt 4,334 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ và bằng 65,6% so với cả năm 2022.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Cấn Văn Lực, sau lần điều chỉnh lãi suất này, Fed sẽ duy trì lãi suất đi ngang trước khi giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Trong đó, các Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng được dự báo hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.

Với dự báo này của thị trường, USD sẽ giảm giá và đa số các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại.

Trong bối cảnh đó, ông Lực dự báo VND sẽ chỉ mất giá từ 0-0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động có thể lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5%-1%. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định việc Fed tăng lãi suất cả về biên độ và thời điểm đều nằm trong dự trù của Ngân hàng Nhà nước, vì thế Việt Nam sẽ không quá bị động trong việc ứng phó.

“Mặc dù có chịu ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD như những lần trước Fed tăng lãi suất. Đây là một trong những lý do dự báo mặt bằng lãi suất trong nước từ giờ đến cuối năm ổn định, thậm chí có thể đi xuống,” ông Thịnh nói.

Các chuyên gia cũng đánh giá về mặt lý thuyết thì với việc Fed tăng lãi suất, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là đồng USD tăng giá đồng nghĩa người dân Mỹ cũng như một số nước sẽ thắt chặt chi tiêu.

Fed tăng lãi suất lần thứ 11: Tỷ giá, lãi suất chịu những áp lực gì? ảnh 2Xuất khẩu dệt may sụt giảm trong những tháng đầu năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều này gây tác động tới việc xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành dệt may, nông sản… xuất khẩu đều giảm. Mới đây, ngành điều đã xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhập nhập khẩu cũng "đắt lên," dù vậy, theo phân tích của các chuyên gia nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 18,2% so với cùng kỳ chứng tỏ sản xuất trong nước chưa được mở rộng, nguyên vật liệu để sản xuất chưa nhập khẩu nhiều. Chính vì vậy, tác động của việc Fed tăng lãi suất lên nhập khẩu lúc này có thể chưa đáng kể.

Ngoài ra, cũng có ý kiến lo ngại việc USD tăng giá là sẽ dẫn đến việc dòng USD đầu tư sẽ dịch chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư với nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Do vậy, Fed tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Lãi suất được dự báo sẽ giảm tiếp

Trên thực tế, việc Fed tăng lãi suất khiến các ngân hàng lo dư địa nới lỏng tiền tệ không còn nhiều và tình hình kinh doanh các tháng cuối năm không thuận lợi.

Từ đầu năm, ngành ngân hàng đã phải hứng chịu nhiều "cơn gió ngược" như những biến động trên thị trường bất động sản, lực cầu tiêu dùng và tín dụng yếu. Ngoài ra, các nguồn thu ngoài lãi như các hoạt động dịch vụ, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) cũng bị ách tắc. Áp lực lên chất lượng tài sản các ngân hàng chưa thuyên giảm và chi phí vốn vẫn còn neo ở mức cao.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Các ngân hàng vẫn phải gồng mình để cố gắng đạt kế hoạch lợi nhuận. Năm nay sẽ khó hơn cho ngành ngân hàng. Những yếu tố tạo ra kỳ vọng có sự vượt trội về mặt lợi nhuận vẫn chưa xuất hiện.”

Fed tăng lãi suất lần thứ 11: Tỷ giá, lãi suất chịu những áp lực gì? ảnh 3Giao dịch tại TPBank. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh với diễn biến lãi suất điều hành của các nước trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những Ngân hàng Trung ương đầu tiên đi ngược chiều chu kỳ chính sách tiền tệ.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tới 4 lần lãi suất. Đó là quyết định táo bạo và "liều," bởi lẽ lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm. Điều đó cho thấy mức độ "dính" của lạm phát rất cao ở Việt Nam.

"Năm nay lạm phát bình quân có thể kiểm soát nhưng độ trễ của chính sách và câu chuyện lo lắng về lạm phát đối với nhà điều hành không chỉ dừng ở năm 2023 mà tiếp tục trong năm 2024,” ông Quang nói.

Trong bối cảnh đó, ông Quang cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Một số chuyên gia trong nước và tổ chức quốc tế cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành từ 4,5% xuống 4% vào quý 4 năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục