Festival Nghề truyền thống Huế: Nơi hội tụ tinh hoa các làng nghề

Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề thu hút 150 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian đến từ 34 làng nghề truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng trong cả nước.
Festival Nghề truyền thống Huế: Nơi hội tụ tinh hoa các làng nghề ảnh 1Không gian trưng bày sản phẩm gốm của các làng nghề. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Đúng với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt," Festival Nghề truyền thống Huế 2015 thực sự là nơi hội tụ tinh hoa nghề truyền thống nước ta nói chung và thành phố Huế nói riêng, là sự tiếp nối kết quả đã đạt được qua các kỳ Festival, là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản ngành nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Diễn ra từ 28/4-2/5, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề thu hút 150 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đến từ 34 làng nghề truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng trong cả nước, nhằm trưng bày kinh doanh sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề...

Festival Nghề truyền thống Huế 2015 diễn ra tại nhiều điểm của khu vực trung tâm thành phố Huế như Phu Văn Lâu, Bảo tàng Văn hóa Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tứ Tượng, Công viên Thương Bạc... Đáng chú ý, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Tứ Tượng và Bảo tàng Văn hóa Huế. Nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong không gian trữ tình, thoáng đãng bên bờ sông Hương, với hệ thống nhà rường truyền thống và cảnh sắc đậm đà nét Huế.

Ở công viên Tứ Tượng và dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương, không gian trưng bày của các làng nghề sôi động hơn, nhất là các công đoạn và kỹ thuật làm nghề của các nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề tiêu biểu như gốm sứ Bát Tràng, Bình Dương và Phước Tích; đất nung Quảng Nam, bầu trúc Ninh Thuận; sơn mài tương Bình Hiệp, thổ cẩm lanh Lùng Tiên (Hà Giang); mây tre Chuyên Mỹ. Thành phố Huế có thêu Đức Thành và Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, diều Huế, Kim hoàn Duy Mong, nghề làm mõ, làm hương trầm... luôn thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch tham gia Festival.

Tại gian trưng bày nghề thổ cẩm lanh truyền thống của người Mông đến từ xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), khách tham quan rất thích thú được xem các nghệ nhân ngồi xe sợi, quay lanh và cắm cúi dệt trên khung cửi cổ truyền... Ðiều được nhiều người chú ý chính là công đoạn vẽ sáp lên nền vải trước khi cho vào nhuộm. Ðây được xem là tuyệt kỹ của thổ cẩm Tây Bắc. Những chỗ vải có sáp dính vào sẽ không thấm màu qua khâu nhuộm, do đó đã tạo ra các sắc thái hoa văn rất đặc biệt.

Theo nghệ nhân Vàng Thị Mai, để hoàn tất một tấm thổ cẩm, các nghệ nhân và người thợ phải trải qua trên 40 công đoạn. Tất cả đều làm bằng sợi lanh và màu sắc được lấy từ các cây trái trong rừng. Nghề lanh thổ cẩm dân tộc Mông có từ rất lâu, với đặc tính ưu việt của sợi lanh mùa Đông thì ấm, mùa Hè lại mát nên đây là sản phẩm truyền thống rất được ưa chuộng của người H'Mông.

Thợ thủ công truyền thống Huế còn mang đến lễ hội không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúc đồng Huế. Nổi bật là sản phẩm truyền thống của làng nghề, từ vật dụng thờ cúng như chuông, tượng đến những vật dụng gia đình, hàng lưu niệm, mỹ nghệ...

Ở một nghề thủ công truyền thống khác của Huế là sự góp mặt của nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh. Ông đã đồng hành với lễ hội suốt từ năm 2005 đến nay. Lần này, nghệ nhân Lê Văn Kinh mang đến Festival "Tinh hoa nghề Việt" với hàng chục tư liệu quý và trên 80 tác phẩm thêu nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, trong đó có ba bộ tranh thêu đạt kỷ lục quốc gia.

Tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015 còn có sự góp mặt nghề truyền thống Hàn Quốc, Nhật Bản. Đáng chú ý là có không gian trưng bày các sản phẩm nghề thủ công truyền thống thành phố Gyeongju (Hàn Quốc), thành phố Saijo và trang phục Kimono (Nhật Bản), cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật, ứng dụng đặc sắc.

Thành phố Gyeongju (Hàn Quốc) giới thiệu với lễ hội một tổ hợp các không gian làng nghề như nghệ thuật làm tóc truyền thống và nghề gốm; trong khi thành phố Saijo (Nhật Bản), ngoài trang phục Kimono là tranh ảnh giới thiệu văn hóa và nghề làm giấy truyền thống...

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định: Đến giờ phút này có thể nói, Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần giữ gìn và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố bền vững về môi trường và thành phố văn hóa của cộng đồng ASEAN. Sự kiện này còn có ý nghĩa tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, kết quả đạt được như mục đích đã đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục