Khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế "Tinh hoa Nghề Việt"

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VI-2015 có nhiều chương trình phong phú, đa dạng và đặc sắc, là một cuộc hội tụ lớn của hơn 150 nghệ nhân trên cả nước.
Khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế "Tinh hoa Nghề Việt" ảnh 1 Không gian trưng bày sản phẩm gốm của các làng nghề. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tối 28/4, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VI-2015 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" đã chính thức khai mạc tại sân khấu bia Quốc học, bên dòng sông Hương thơ mộng, trong không khí kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Huế; các tổ chức quốc tế và các thành phố kết nghĩa Saijo, Gyeonju, Kyoto, Shizuoka (Nhật Bản); cùng đông đảo công chúng và khách du lịch trong và ngoài nước đã tham gia lễ hội.

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế nêu rõ từ ngày 28/4-3/5, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VI-2015 với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt" là sự tiếp nối kết quả đã đạt được qua các kỳ Festival, là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản ngành nghề truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, tiếp tục giữ gìn và nâng cao vị thế của Cố đô Huế-Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố bền vững về môi trường và thành phố văn hóa của cộng đồng ASEAN.

Sự kiện này còn có ý nghĩa tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VI-2015 có nhiều chương trình phong phú, đa dạng và đặc sắc, là một cuộc hội tụ lớn của hơn 150 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đến từ 34 làng nghề truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng, trong cả nước, nhằm trưng bày kinh doanh sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề ...

Một số nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế sẽ được giới thiệu tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015 như may, thêu, giấy; giới thiệu các nghề có sản phẩm độc đáo gắn với du lịch Huế; cùng với một số làng nghề truyền thống đặc sắc của các địa phương khác như gốm Bát Tràng, dệt lụa, thêu, may, mỹ nghệ cũng tham gia với thành phố Huế.

Festival nghề truyền thống Huế 2015 diễn ra tại nhiều điểm của khu vực trung tâm thành phố Huế, gồm Phu Văn Lâu, Bảo tàng Văn hóa Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tứ Tượng, Công viên Thương Bạc...

Đáng chú ý, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Tứ Tượng và Bảo tàng Văn hóa Huế.

Nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong không gian trữ tình, thoáng đãng bên bờ sông Hương, với hệ thống nhà rường truyền thống và cảnh sắc đậm đà nét Huế.

Trong thời gian này, công chúng có thể tham gia tìm hiểu, được hướng dẫn và cùng trải nghiệm để sáng tạo những sản phẩm của riêng mình.

Nhiều nhà nghiên cứu và nhà sưu tập có uy tín, các nghệ sỹ và đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh với các cuộc hội thảo, triển lãm, trưng bày độc đáo. Đáng chú ý là Hội thảo khoa học "Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống"; trưng bày cổ vật tại không gian khu Di sản Huế gồm trưng bày, triển lãm các bộ sưu tập cổ vật quý hiếm liên quan đến các nghề thủ công truyền thống thời Nguyễn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; các triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật, trưng bày tác phẩm tinh xảo và cổ vật đặc biệt khác.

Ngoài ra, có nhiều mặt các sản phẩm mỹ nghệ của nhiều thành phố quốc tế quan hệ với Huế, điều này từng bước khẳng định mối quan hệ giao lưu văn hóa và kinh tế ngày càng phát triển của Huế với bạn bè gần xa.

Bên cạnh đó, Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015 còn có nhiều chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa cộng đồng nhiều màu sắc, mới lạ và hấp dẫn như thả diều nghệ thuật "Những cánh bay Việt Nam" tại công viên Phu Văn Lâu-Thương Bạc; lễ hội "Sắc màu tuổi thơ" tại Công viên Lý Tự Trọng, Nhà Thiếu nhi Huế; đua thuyền trên sông Hương; ẩm thực Huế tại công viên 3-2; liên hoan "Chim chào mào" tại trường Hai Bà Trưng, Huế.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục