Tập đoàn chế biến thực phẩm và đồ uống Fraser and Neave (F&N) của Singapore đã tìm cách trì hoãn thương vụ thâu tóm của Heineken đối với công ty bia Châu Á Thái Bình Dương (APB) khi hoãn công bố quyết định xem xét lời đề nghị của người khổng lồ Hà Lan. Điều đó càng làm dấy lên những tin đồn mới về thương vụ tranh giành sôi động nhất ở thị trường bia và đồ uống khu vực. Ngày hôm nay, 2/8, chính là thời hạn chót mà Heineken đưa ra để F&N trả lời xem liệu họ có chấp nhận để hãng bia Hà Lan thâu tóm APB hay không. APB được coi là viên ngọc trên vương miện của F&N, nổi tiếng nhất với sản phẩm bia Tiger. Ngoài bia, F&N còn có các hãng sản xuất đồ uống có ga và đồ uống từ sữa khác, cùng xuất bản và in ấn, bất động sản thương mại và căn hộ cho thuê. Heineken và F&N từ lâu đã là đối tác của nhau ở châu Á. Heineken hiện sở hữu 41,9% APB, trong khi F&N sở hữu 40%. Kirin Holdings thì nắm 15% F&N và được coi là một trong những đối thủ của Heineken trong vụ thâu tóm APB, cùng với Thai Beverage. Hôm 20/7, Heineken đã đưa ra lời đề nghị mua lại cổ phần APB từ F&N với giá 50 SGD (40 USD) một cổ phần, cao hơn 8 SGD một cổ phần so với giá đóng cửa của APB vào ngày hôm trước. Kể từ đó, giá cổ phiếu APB có lúc đã tăng tới mức 52 SGD và được giao dịch ở mức 49.50 SGD thời điểm đóng cửa ngày 2/8. Heineken nói họ “phủ nhận khả năng mở rộng đề nghị ra với mọi cổ đông của APB, nhưng sẽ xem xét tất cả lựa chọn có thể để bảo vệ các lợi ích kinh doanh của hãng”. [Hãng bia Heineken tấn công mạnh thị trường châu Á] Đề nghị của Heineken được đưa ra sau khi những công ty có liên hệ với nhà tài phiệt Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đạt được một thỏa thuận khác, không liên quan tới thỏa thuận này, mua lại 22% cổ phần của F&N và 8,6% của APB.
Tiger Beer là thương hiệu quen thuộc ở châu Á-Thái bình dương (Nguồn: AFP)
Thai Beverage của Charoen từ đó đã nâng số cổ phần mà họ sở hữu trong F&N lên 23,9 phần trăm.
A.Q (Vietnam+)