FTC cáo buộc Amazon kiếm lời 1 tỷ USD bằng thuật toán nâng giá bí mật

FTC cáo buộc Amazon đã tạo ra một thuật toán nội bộ bí mật có tên Project Nessie để xác định các sản phẩm cụ thể mà hãng dự đoán các cửa hàng trực tuyến khác sẽ dõi theo việc tăng giá của Amazon.
FTC cáo buộc Amazon kiếm lời 1 tỷ USD bằng thuật toán nâng giá bí mật ảnh 1Một trung tâm phân phối của Amazon tại Bắc Las Vegas, Nevada, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đã công bố hồ sơ kiện Amazon.com với cáo buộc “đại gia” thương mại điện tử sử dụng một loạt chiến lược bất hợp pháp để tăng lợi nhuận, bao gồm cả thuật toán đẩy giá khiến các hộ gia đình Mỹ thiệt hại hơn 1 tỷ USD.

FTC đã khởi kiện vào tháng Chín, nhưng chỉ đưa ra nhiều chi tiết cụ thể hơn khi Tòa án ở Seattle công bố phiên bản hồ sơ ít thông tin bị xóa hơn bản trước đó.

Theo hồ sơ, FTC cáo buộc Amazon đã tạo ra một thuật toán nội bộ bí mật có tên Project Nessie để xác định các sản phẩm cụ thể mà hãng dự đoán các cửa hàng trực tuyến khác sẽ dõi theo việc tăng giá của Amazon.

FTC cáo buộc Amazon đã sử dụng Project Nessie để hưởng lợi hơn 1 tỷ USD trực tiếp từ túi tiền của người dân Mỹ.

Đơn khiếu nại cho biết Amazon bắt đầu thử nghiệm thuật toán định giá vào năm 2010 để xem liệu các nhà bán lẻ trực tuyến khác có theo dõi giá của họ hay không, đồng thời tăng giá cho những sản phẩm có khả năng bị các đối thủ cạnh tranh theo dõi.

[Ủy ban Thương mại Mỹ: Amazon vi phạm luật chống độc quyền]

Sau khi các nhà bán lẻ bên ngoài bắt đầu khớp hoặc tăng giá của chính họ, Amazon sẽ tiếp tục bán sản phẩm với mức giá được điều chỉnh lên cao, dẫn đến khoản lợi nhuận vượt mức trị giá 1 tỷ USD nêu trên.

FTC cáo buộc Amazon đã tạm dừng thuật toán trong các sự kiện bán hàng Prime Day và mùa mua sắm nghỉ lễ, khi giới truyền thông và khách hàng dành nhiều sự chú ý hơn đối với nhà bán lẻ trực tuyến này. Sau khi các sự kiện kết thúc, Amazon lại chạy Project Nessie và mở rộng quy mô của nó bù đắp cho giai đoạn tạm dừng.

Theo hồ sơ, vào tháng 4/2018, Amazon đã sử dụng thuật toán trên để định giá cho hơn 8 triệu mặt hàng được bán ra với tổng trị giá gần 194 triệu USD, trước khi tạm dừng vào năm 2019.

Sang tháng 1/2022, Giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ của Amazon, ông Doug Herrington, thậm chí đã nhắc tới “người bạn cũ Nessie” với khả năng điều chỉnh các mục tiêu mới để tăng lợi nhuận cho bộ phận bán lẻ.

Người phát ngôn của Amazon, ông Tim Doyle, cho biết FTC đã "hiểu sai hoàn toàn" công cụ định giá và hãng đã ngừng sử dụng Project Nessie vài năm trước.

Phía Amazon cho hay hãng sử dụng thuật toán để cố gắng ngăn chặn việc khớp giá dẫn đến kết quả bất thường, khi giá bán xuống thấp không bền vững.

FTC gọi thuật toán của Project Nessie là "phương pháp cạnh tranh không công bằng," vì nó thao túng các cửa hàng trực tuyến khác tăng giá và cho phép Amazon làm điều tương tự.

FTC cũng cáo buộc Amazon tìm cách che giấu thông tin về hoạt động của Project Nessie khỏi các cơ quan chống độc quyền bằng cách sử dụng tính năng “tin nhắn biến mất” của ứng dụng nhắn tin Signal. Cơ quan chức năng cho biết hãng đã phá các tin nhắn liên lạc trong giai đoạn từ tháng 6/2019 đến đầu năm 2022.

Không chỉ dừng ở đó, FTC cho biết Amazon còn yêu cầu người bán tham gia chương trình Prime sử dụng dịch vụ logistics và giao hàng của hãng, dù nhiều người muốn sử dụng dịch vụ rẻ hơn hoặc dịch vụ cũng sẽ phục vụ khách hàng từ các nền tảng khác.

FTC cho biết mức phí trung bình mà Amazon thu từ người bán sử dụng dịch vụ xử lý đơn hàng của hãng  đã tăng từ 27% hồi năm 2014 lên 39,5% vào năm 2018.

Ngoài ra, Amazon cũng không cho phép các cửa hàng trực tuyến lớn khác như Walmart.com bán hàng trên nền tảng của hãng.

Trong một phiên điều trần, khi được hỏi tại sao Amazon đối xử với Walmart khác với những người bán nhỏ hơn, ông Jeff Bezos trả lời rằng sự khác biệt là do quy mô và tình hình cạnh tranh...

Phía Walmart đã từ chối đưa ra bình luận về những thông tin này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục