G-8 hợp tác chống khủng bố, cướp biển

Ngày 30/5, kết thúc hai ngày họp ở thủ đô Rome của Italy, các bộ trưởng tư pháp và nội vụ nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) đã nhất trí các biện pháp nhằm tăng cường cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức, nhập cư bất hợp pháp và chống nạn hải tặc.

Ngày 30/5, kết thúc hai ngày họp ở thủ đô Rome của Italy, các bộ trưởng tư pháp và nội vụ nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) đã nhất trí các biện pháp nhằm tăng cường cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, chống tội phạm có tổ chức, nhập cư bất hợp pháp và chống nạn hải tặc.

Tuyên bố chung của hội nghị khẳng định khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh, sự cai trị của luật pháp cũng như sự ổn định về kinh tế trên thế giới. Hội nghị cũng chú ý vấn đề tội phạm trên mạng trong bối cảnh các vụ trộm trên mạng gia tăng đang đe dọa an ninh tài chính quốc tế và quyền sở hữu trí tuệ.

Tuyên bố nhấn mạnh tất cả các biện pháp chống khủng bố phải tôn trọng nhân quyền, vấn đề cư trú và luật pháp quốc tế. Ngăn chặn là biện pháp quan trọng, trong khi hợp tác giữa các nước G-8 và trong cộng đồng quốc là yếu tố cốt yếu để tăng cường hiệu quả của các chiến lược chống khủng bố.

Theo các bộ trưởng, trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, các nước cần chia sẻ các dữ liệu nhạy cảm về phần tử khủng bố và các kênh thông tin của chúng, đặc biệt trên internet.

Tuyên bố coi tịch thu tài sản theo mô hình chống maphia của Italy là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Đối với nạn cướp biển, tuyên bố chung cho rằng thế giới phải xây dựng chiến lược chung có tính đến yếu tố thực thi luật pháp chống cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, đặc biệt phải có sự hợp tác giữa những nước bắt giữ với những nước có điều kiện khởi tố các phần tử cướp biển.

Hội nghị các bộ trương tư pháp và nội vụ G-8 được tổ chức trong bối cảnh nạn cướp biển đang hoành hành mạnh với 114 âm mưu tấn công và 29 vụ bắt giữ tàu biển từ đầu năm đến nay. Dòng người nhập cư bất hợp pháp từ châu Phi vào Nam Âu cũng đã khiến cho nhiều quốc gia thuộc khu vực này phải áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn nhằm hồi hương người nhập cư trái phép.

Trong một tuyên bố khác, hội nghị kêu gọi thế giới có các biện pháp mạnh mẽ hơn chống tội xâm hại tình dục trẻ em.

Tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Italy, Nhật Bản và Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục