Gần 200 thủ tục đã được ngành ngân hàng đơn giản hóa, bãi bỏ

Qua 8 năm đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index), có 5 năm liên tiếp gần đây, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất liên tục xếp thứ nhất trong số 19 bộ, cơ quan.
Gần 200 thủ tục đã được ngành ngân hàng đơn giản hóa, bãi bỏ ảnh 1Phó Thường trực Trương Hòa Bình cùng ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnanm+)

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030 của ngành ngân hàng được tổ chức ngày 5/12, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong 10 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận và giải quyết hơn 20.000 hồ sơ thủ tục hành chính, gần 200 thủ tục đã được đơn giản hóa, bãi bỏ, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong giao dịch hành chính với Ngân hàng Nhà nước.

Phó Thống đốc cho biết thêm kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về giải quyết thủ tục hành chính cho thấy chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.

Cũng theo Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên công bố công khai cho doanh nghiệp, người dân Bộ thủ tục hành chính chi tiết, đầy đủ. Từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%). Công tác kiểm soát quy định thủ tục hành chính thường xuyên được chú trọng; giải quyết thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO, công khai minh bạch, đúng hạn.

“Theo báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2020, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã tăng 7 bậc so với năm trước và nằm trong nhóm 25 quốc gia có điểm cao nhất. Chỉ số này thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ và vay vốn công bằng, minh bạch,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết định hướng giai đoạn 2021-2030 ngành ngân hàng phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Ngoài ra tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định về công tác cán bộ; điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc hệ thống theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Gần 200 thủ tục đã được ngành ngân hàng đơn giản hóa, bãi bỏ ảnh 2Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnanm+)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá công tác cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011-2020 được triển khai đồng bộ, bài bản và đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua 8 năm đánh giá chỉ số cải cách hành chính (Par Index), có 5 năm liên tiếp gần đây, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất liên tục xếp thứ nhất trong số 19 bộ, cơ quan.

Những kết quả trên của Ngân hàng Nhà nước góp phần vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 được Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam hiện xếp thứ 25/190 nền kinh tế, là chỉ số xếp thứ hạng cao nhất trong số 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, xếp thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau Brunei).

"Đây là một điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về triển khai phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, coi đây là động lực, giải pháp để hoàn thành những mục tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu nhằm hiện đại hóa hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất-kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ các phương thức hoạt động kinh tế-xã hội theo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng mua sắm, thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, nhất là từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ số, chú trọng vấn đề bảo đảm an ninh an toàn các dịch vụ ngân hàng để phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước và nhu cầu người dân./,

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục