Gần 5.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi tại Bình Phước

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần đơn giản các thủ tục về tiếp cận các nguồn vốn nhanh nhất giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.
Gần 5.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi tại Bình Phước ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Chiều  2/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp tại tỉnh Bình Phước nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi có dịch Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng kịch bản, chương trình hành động triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, góp phần ổn định vĩ mô. 

Ghi nhận tại Bình Phước trong 5 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn là 3.400 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.734 khách hàng với dư nợ là 2.836 tỷ đồng. Mặt khác, cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn cho 2.940 khách hàng với doanh số cho vay gần 5.000 tỷ đồng. 

[Nhiệm vụ, giải pháp của chính phủ nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch]

Đại diện nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước  đánh giá việc thực hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước về giãn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản đã vay, giảm các khoản nợ phát sinh trước thời điểm đại dịch là hành động kịp thời, góp phần tạo lòng tin cho doanh nghiệp tiếp tục tham gia vào thị trường để cố gắng duy trì ổn định sản xuất. 

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần đơn giản các thủ tục về tiếp cận các nguồn vốn nhanh nhất giúp cho doanh nghiệp được tiếp cận với các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

Doanh nghiệp cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tạo điều kiện các chính sách về đất đai, chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn được chậm nộp các khoản thuế và bảo hiểm xã hội để ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện gói tín dụng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi  đại dịch nhằm tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng triển khai ngay các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ, từ đó hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn chưa trả được nợ đến hạn. Các chính sách này đang áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Kết quả sau hơn 2 tháng triển khai đến ngày 25/5/2020, tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn cả nước đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ  trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục