Gần 800 điểm cầu thực hiện khám chữa bệnh từ xa trên cả nước

Tới đây, hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ kết nối tới tuyến tỉnh, tuyến huyện mà còn kết nối tới tận trạm y tế, hộ gia đình để mọi người dân đều được hỗ trợ y tế chất lượng cao.
Gần 800 điểm cầu thực hiện khám chữa bệnh từ xa trên cả nước ảnh 1Các bác sỹ thực hiện tư vấn phẫu thuật trực tuyến từ xa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa,” các cơ sở y tế ở trung ương phối hợp chặt chẽ tổ chức khai trương các trung tâm khám, chữa bệnh từ xa. Đến nay đã có gần 800 điểm cầu thực hiện.

Với 2 mục tiêu căn bản là tất cả các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện được hỗ trợ chuyên môn liên tục và mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên. Tới đây, hệ thống khám chữa bệnh từ xa không chỉ kết nối tới tuyến tỉnh, tuyến huyện mà còn kết nối tới tận trạm y tế, hộ gia đình để mọi người dân đều được hỗ trợ y tế chất lượng cao.

[UNDP hỗ trợ 15 Robot Ohmni giúp chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa]

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy tại buổi lễ khai trương Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội.

Ông Tuyên cho biết Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 đề ra mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Theo ông Tuyên, nếu như trước đây các bệnh viện triển khai hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1 (một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới) thì hiện nay sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Khi tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, tất cả bệnh viện tuyến dưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi, học tập và nâng cao chuyên môn, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới.

Phương pháp này cũng đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng chống dịch, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh, giảm quá tải, tạo cân bằng người bệnh giữa tuyến trên-tuyến dưới… Vì vậy cần coi đây là hoạt động y tế thường xuyên.

Giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết chương trình được kết nối tới 128 điểm cầu với sự tham dự của 500 bác sỹ, các chuyên gia đầu ngành của các bệnh viện. Trong chiều 4/9, có 4 điểm cầu tham gia tư vấn khám chữa bệnh từ xa gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Gần 800 điểm cầu thực hiện khám chữa bệnh từ xa trên cả nước ảnh 2Cắt băng khai trương hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong buổi khai trương Trung tâm Tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia đã thực hiện tư vấn, khám bệnh từ xa các ca lâm sàng khó trong lĩnh vực: Ngoại tiêu hóa, Ngoại chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D Einstein Vision cho bệnh nhân 60 tuổi được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi mật trên người bệnh có hẹp đường mật chưa rõ nguyên nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh…

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được cho là phương pháp hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Qua phương pháp này, nhiều bệnh nhân trong tình trạng nặng cần phẫu thuật sẽ không phải chuyển lên tuyến trung ương nhờ phương pháp khám chữa bệnh từ xa qua màn hình trực tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục