Gần 900 thực phẩm của Trung Quốc bị Canada 'thổi còi' hai năm qua

Từ 1/1/2017 đến 29/2/2019, CFIA đã phát hiện 889 sản phẩm/thành phần thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc “có vấn đề,” không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Canada, từ kẹo cao su, tới mì xào, mực cay.
Gần 900 thực phẩm của Trung Quốc bị Canada 'thổi còi' hai năm qua ảnh 1(Nguồn: The Canadian Press)

Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) trong giai đoạn từ năm 2017 đến đầu năm 2019 đã "chặn" gần 900 sản phẩm thực phẩm của Trung Quốc vào thị trường Canada, do lo ngại về những sai phạm liên quan đến nhãn mác, những chất gây dị ứng chưa được công bố đến trên sản phẩm và những chất độc hại, bao gồm cả thủy tinh và kim loại.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 29/2/2019, CFIA đã phát hiện 889 sản phẩm/thành phần thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc “có vấn đề,” không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Canada, từ kẹo cao su, tới mì xào hay mực cay.

Thông tin trên được công bố tại thời điểm dư luận tại Canada đặc biệt quan tâm tới việc thanh tra thực phẩm xuất-nhập khẩu.

[Trung Quốc cân nhắc dừng nhập khẩu tất cả các sản phẩm thịt của Canada]

Vấn đề kiểm soát hàng nông sản hiện là tâm điểm trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc - đối tác thương mại lớn thứ hai của xứ sở lá phong.

Căng thẳng trong quan hệ song phương đã leo thang sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, theo yêu cầu của Mỹ. Bắc Kinh sau đó đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada với cáo buộc hoạt động gián điệp, một động thái mà giới quan sát cho là để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu.

Chính phủ đảng Tự do đang phải chịu sức ép từ đảng Bảo thủ muốn Ottawa phải kiểm soát chặt hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau tiến hành thanh tra toàn bộ các sản phẩm của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Canada và cân nhắc áp thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, Văn phòng của Bộ trưởng Nông nghiệp Canada cho biết Canada chưa có ý định tăng cường thanh tra hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã đề nghị chính phủ Canada dừng cấp phép xuất khẩu thịt của Canada sang Trung Quốc, sau khi phát hiện gần 200 giấy chứng nhận y tế thú y bị làm giả. Động thái này của Bắc Kinh đã làm leo thang căng thẳng mối quan hệ song phương, sau các vụ bắt giữ công dân của nhau.

Bắc Kinh cũng hạn chế nhập khẩu hạt cải dầu của Canada, với lý do phát hiện sâu bệnh trong một số lô hàng.

Những động thái của Bắc Kinh liên quan đến nông sản nhập khẩu của Canada cũng như vụ bắt giữ hai công dân Canada (Michael Kovrig và Michael Spavor) được giới quan sát cho là để gây sức ép buộc Ottawa trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục