Trước những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, đào tạo báo chí đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện.
Việc cải tổ từ nội dung đến phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tích hợp công nghệ, tăng cường liên kết giữa nhà trường và các đơn vị báo chí-truyền thông không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, thích ứng trong kỷ nguyên số.
Hai bài viết với chủ đề "Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số" sẽ đưa ra cái nhìn khách quan về việc đào tạo nhân lực báo chí tại cơ sở đào tạo và các cơ quan báo chí hiện nay; đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo báo chí.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/4/2023 đã đặt mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hoàn thành tốt sứ mệnh cách mạng, đồng thời phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số là con người, bởi đây là chìa khóa tạo nên thành công của chuyển đổi số.
Nhiều cơ sở đào tạo báo chí hiện nay đã có nhiều thay đổi trong phương pháp đào tạo, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện mô hình "đưa tòa soạn đến giảng đường, gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chí."
Thích ứng với nhu cầu lao động trong bối cảnh hiện đại
Khái quát bức tranh chung đào tạo báo chí hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Giang, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết trước năm 1990, việc đào tạo báo chí chỉ được thực hiện tại Trường Tuyên huấn Trung ương.
Năm 1990, Trường Đại học Tuyên giáo (trước đây là Trường Tuyên huấn Trung ương) và Trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội) được thành lập. Tới nay, cả nước có 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, tất cả đều là trường công lập: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Đại học Vinh.
Ngoài ra, có nhiều trường tư thục và trường liên kết quốc tế đào tạo về truyền thông và quan hệ công chúng.
Có 4 cấp học trong hệ đào tạo chính quy ngành báo chí, truyền thông, bao gồm: cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ... Ngoài ra, còn các các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp đào tạo nghiệp vụ. Mức độ tuyển sinh vào nhóm ngành báo chí, truyền thông trong các cơ sở đào tạo công lập tăng đều theo các năm.
Tại Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), năm học 2021-2022, tỷ lệ chọi của ngành báo chí là 1/52, điều này cho thấy sức hút, cũng như tiềm năng của nhóm ngành này trên thị trường.
Báo chí-truyền thông cũng là nhóm ngành có thang điểm đầu vào ở mức cao trong các cơ sở đào tạo công lập. Năm học 2023-2024, tính trên thang 30, 28,68 là điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí Tuyên truyền; còn 28 là điểm chuẩn ngành báo chí của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Giang nhận định nhìn chung, các cơ sở đào tạo chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội và yêu cầu công việc. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo hướng khoa học, hợp lý, chú trọng giúp người học đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công việc báo chí, truyền thông tương lai. Với chương trình khung, chương trình đào tạo chi tiết các môn trọng điểm, định hướng thiết kế theo hướng hiện đại hóa, hệ thống hóa.
Đặc biệt, chương trình được xây dựng để đảm bảo củng cố cho người học cả nền tảng lý thuyết, kỹ năng, nghiệp vụ thực tiễn, đồng thời đảm bảo sự rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh vừa đảm bảo sự bài bản trong nền tảng kiến thức, đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu. Việc tổ chức, quản lý các quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chặt chẽ, có sự tham gia của cơ quan đánh giá độc lập, hệ thống quy chế, quy định rõ ràng dành cho quản lý đào tạo, bồi dưỡng; được chuyên nghiệp hóa, tin học hóa, thuận tiện, thống nhất trong quản lý.
Cùng với đó, việc đào tạo, bồi dưỡng sinh viên cũng hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, kỹ năng thiết thực. Sinh viên được khuyến khích kết hợp học tập, nghiên cứu phục vụ việc tích lũy tri thức căn bản, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm tích lũy những kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc tương lai...
Chất lượng nguồn nhân lực sau tốt nghiệp được khẳng định bởi tỷ lệ sinh viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông có việc làm. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên trong ngành báo chí, truyền thông là khá cao.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 70% sinh viên nhóm ngành báo chí, truyền thông có việc làm đúng lĩnh vực được đào tạo, 80% sinh viên có việc làm ở lĩnh vực liên quan.
Từ năm 2019-2021, tỷ lệ sinh viên có việc làm tại trường Đại học Khoa học (Huế) đạt trên 80%. Các thế hệ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được cả những yêu cầu về bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, yêu cầu về tri thức cơ bản, đồng thời thích ứng được với nhu cầu lao động trong bối cảnh hiện đại..., Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Giang khẳng định.
Thách thức trong việc bắt kịp xu hướng phát triển
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chương trình đào tạo báo chí hiện nay còn gặp nhiều khó khăn để theo kịp xu hướng phát triển chóng mặt của truyền thông đa phương tiện. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết phải cải tổ toàn diện và sâu sắc hoạt động đào tạo báo chí.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thanh Giang cho rằng một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình đào tạo báo chí hiện nay là chưa tích hợp đầy đủ và hiệu quả kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới trong truyền thông. Sinh viên báo chí ra trường thường thiếu hụt năng lực xử lý dữ liệu, sản xuất nội dung đa phương tiện, tương tác với công chúng trên nền tảng số.
Trong khi đó, những kiến thức, kỹ năng này lại đang ngày càng trở nên cần thiết trước sự phát triển như vũ bão của báo chí trực tuyến, mạng xã hội và các loại hình báo chí mới.
Chương trình đào tạo báo chí cũng đối mặt với nguy cơ "hụt hơi" trước sự dịch chuyển về nhu cầu, hành vi của công chúng trên thị trường thông tin. Trong bối cảnh công chúng ngày càng khó tính, đòi hỏi những thông tin ngắn gọn, trực quan, hướng tới cá nhân hóa, việc cung cấp kiến thức chung, sơ lược, thiếu chiều sâu khiến sinh viên thiếu hụt năng lực thích ứng, đáp ứng thị hiếu đa dạng, linh hoạt, cũng như khả năng tương tác với công chúng.
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ rõ điểm chuẩn đầu vào của các trường khá cách biệt. Trong khi một số trường có điểm ngành báo chí luôn thuộc tốp đầu vào cao nhất, thậm chí, đối với tổ hợp C00, phải trên 9 điểm mỗi môn nhưng ở một số trường, điểm chuẩn đầu vào lại nằm trong nhóm ngành có điểm thấp nhất, thậm chí có trường, chỉ cần 13,5 điểm 3 môn (thấp nhất trong 15 năm kể từ khi mở ngành) là đủ điểm đầu vào để học Báo chí. Có lẽ, đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng ngành tại một số trường vẫn chưa cao.
Chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo ngoài công lập cũng đào tạo các lĩnh vực gần với báo chí, tuy nhiên chất lượng chưa được kiểm định. Mặc dù đào tạo báo chí chỉ được tiến hành tại các trường công lập, nhưng cơ quan báo chí truyền thông tuyển dụng đa dạng, không giới hạn nguồn.
Cơ sở vật chất tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo của lĩnh vực báo chí, nhất là trong bối cảnh báo chí chuyển đổi mạnh mẽ trong bối cảnh truyền thông số. Hệ thống bài giảng, giáo trình còn thiếu, ít cập nhật. Vẫn còn khoảng cách lớn giữa lý thuyết được đào tạo trên giảng đường với thực tiễn nghề báo sôi động.
Để đảm bảo chất lượng cho hoạt động đào tạo của ngành báo chí, có lẽ cần quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào, để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về năng lực học tập thể hiện ở kết quả học tập, kết quả thi, đánh giá để thí sinh có khả năng theo học và hoàn thành chương trình đào tạo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Thu Hương nêu ý kiến./.
Bài 2: Giải 'bài toán' về nhân lực chuyển đổi số toàn diện cho báo chí
Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí-truyền thông trước yêu cầu Chuyển đổi Số
Chiến lược Chuyển đổi Số Báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra rất nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam, trong đó 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số.