Gần đến giờ "chốt": Tổ bầu cử chờ từng cử tri cuối

16h30 phút chiều 22/5, tại các đơn vị bầu cử của thành phố Hà Nội, việc tổ chức cho cử tri đến bỏ phiếu đã cơ bản hoàn thành.
Không khí tưng bừng đi bầu cử đã diễn ra từ sáng sớm. Đến khoảng gần trưa tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các cử tri đã hoàn thành nhiệm vụ của công dân. Bà con đã chủ động đi bỏ phiếu ngay sau giờ khai mạc.

Có những trường hợp các gia đình bận bán hàng song cũng đã được thành viên tổ bầu cử đến động viên đi bỏ phiếu trong buổi sáng. Sau buổi trưa là khoảng thời gian rà soát và vận động một số bà con chưa đến điểm bỏ phiếu, để họ khẩn trương đến tham gia bầu cử.

Từ 11h trưa cả tổ bầu cử chờ... cử tri cuối cùng


Từ khoảng 3h chiều trở đi, hầu hết các điểm bầu cử trên mọi tuyến phố đều vắng vì chủ yếu chỉ còn các thành viên tổ bầu cử đang làm nhiệm vụ.

Tìm hiểu từ đơn vị bầu cử số 1, khu vực dân cư số 1 và 2 phường Yên Phụ, chúng tôi được thành viên tổ bầu cử, bà Lê Thị Nguyệt cho biết: "Từ 11h, tổ bầu cử đã có được trên 99,9% cử tri đi bầu cử. Từ đó cho đến 16h chiều, cử tri cuối cùng mới xuất hiện."  Khi "người chậm trễ" đến cả tổ bầu cử đã rất mừng. Phóng viên tìm hiểu thì được biết do đi bán hàng xa  nên giờ đó cử tri này mới về khu dân cư được.

Khi phóng viên chúc mừng tổ bầu cử đã xong "người cuối cùng" thì bà Nguyệt chia sẻ: "Chờ cử tri cuối cùng đến bỏ phiếu xong, chúng tôi vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Vì theo đúng quy định, 19h tối mới được mở hòm phiếu để kiếm phiếu và lập biên bản. Gần 8000 phiếu, nên chắc chắn chúng tôi  phải làm việc đến đêm mới hoàn thành nhiệm vụ." 

Tại tổ bầu cử thuộc phường Hàng Bông, lúc hơn 16h30 phút, chúng tôi được biết mới có 90,8 % số cử tri đến bầu.

Theo ông Bùi Thượng Tĩnh- cán bộ tổ bầu cử ở đây cho biết: "Do đặc điểm của địa bàn. Chúng tôi đã có thể chốt số cử tri đi bầu từ rất sớm vì chủ yếu bà con đến bầu từ sáng rồi. Còn số phần trăm thiếu tính đến giờ này thì khả năng đến bầu sẽ rất thấp."

Ông Tĩnh giải thích rõ: "Đó chính là những người đang ở xa không về bầu cử được. Nếu ở trong nước thì họ đã tham gia bầu tại nơi họ có đang mặt. Song chủ yếu là những đối tượng đã bán nhà chuyển đi hàng chục năm, có nhà đã bán chuyển tới mấy chủ, không thể biết họ đang ở đâu để mời về bỏ phiếu. Chứ nếu có thể liên lạc vận động được chúng tôi đã làm. Tuy nhiên, theo quy định chúng tôi vẫn đợi đến 19h"

Tìm hiểu qua các đồng chí công an khu vực tại một số điểm bầu cử chúng tôi được biết: Có những trường hợp nhân khẩu rời đi mười mấy năm vẫn quay trở về cơ quan công an phường xin xác nhận giấy tờ nên dù chuyển đi 20 năm họ vẫn có thể quay về bầu cử. Không báo mất tính, không khai tử thì tên của mỗi người vẫn thuộc về tổ dân phố, vì vậy mà họ vẫn có mặt trên danh sách cử tri của địa phương. Rất có thể họ đã bầu cử ở nơi cư trú mới.

Sư Thầy Thích Minh Tâm, Trụ trì chùa Thiên Tuế ở Sóc Sơn, Hà Nội trao đổi với phóng viên Vietnam+: "Lần trước do công việc của nhà chùa, tôi buộc phải đi vắng từ sáng sớm đến chiều mới về,  tổ bầu cử cho biết họ đã phải đợi một mình tôi. Lần này, tôi đã rút kinh nghiệm đến thật sớm và là người bỏ phiếu trong tốp đầu tiên của điểm bầu cử ở địa phương."

Rút kinh nghiệm từ việc mượn điểm bầu cử

Tại nội thành Hà Nội, các tổ bầu cử đã họp rút kinh nghiệm, chuẩn bị trước sườn biên bản và phân nhóm kiểm phiếu cho khoa học để 19h sẽ tiến hành.

Trong nội dung rút kinh nghiệm của các điểm bầu cử, phóng viên được biết có bàn và "kiểm lại" việc chọn địa điểm đã phù hợp hay chưa. Có một điểm bỏ phiếu ở phường Cửa Nam phải chọn cách căng nhà bạt trên vỉa hè của nút giao thông. Tuy là có tiện cho bà con trong khu vực nhìn thấy ngay để đến bỏ phiếu nhưng với tổ bầu cử làm việc cả ngày ở đó thì quá nắng nóng.

Tại một số điểm bầu cử mượn phòng của nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì lại bị hạn chế không gian, các phòng bầu cử này rất bí. Lúc dồn đông, người đứng san sát nóng nực và có vẻ bất tiện. Lại có điểm bầu cử đẹp nhưng chỉ hợp với cử tri đi bộ chứ không có chỗ để xe máy.

Không mấy nơi được như điểm bầu cử trên phố Cửa Bắc, chính quyền phường sở tại mượn được sân trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, khá lý tưởng cho việc tổ chức bỏ phiếu vì rất thoáng đãng và lại có chỗ để xe cho cử tri.

Từ chuyện địa điểm có thể thấy việc biết làm "công tác dân vận" để có được khu vực bỏ phiếu lý tưởng là  rất quan  trọng. Đây là việc không phải chính quyền địa phương nào cũng làm được. Bầu cử vào chủ nhật nên mượn địa điểm cơ quan, trường học cũng không quá khó. Song cũng còn do đặc điểm của khu dân cư cụ thể nên không phải cứ có khả năng thuyết phục là có thể mượn được nơi phù hợp để tổ chức phòng bỏ phiếu./.

  
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục