Tìm về nhà ông Nguyễn Sinh Quế ở xóm Sen 4, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) không quá khó, hầu như bà con trong xã, trong huyện ai ai cũng biết đến ông. Ông “nổi tiếng” không chỉ vì là người tiên phong trong xã hiến 500m2 đất làm đường Đan Nhiệm mà bởi ông là con cháu cùng chi họ với Bác Hồ trong dòng họ Nguyễn Sinh và đã vinh dự được hai lần trực tiếp đón Bác về thăm quê.
Đã 55 năm trôi qua, nhưng ký ức ngày Bác về thăm quê vào sáng 16/6/1957 vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Sinh Quế. Lúc đó với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Nam Liên, ông vinh dự được trực tiếp đón Bác.
Trong ký ức của ông, Bác lúc đó đẹp như một ông tiên. Ở tuổi 67 trông Bác vẫn còn nhanh nhẹn lắm, mái tóc bạc, mắt sáng, da dẻ hồng hào, râu thưa và nhớ nhất là nụ cười hiền hậu, giọng nói trầm ấm.
Trước đông đảo bà con, Bác nói: “Khi tôi ra đi còn bé như các cháu này, bây giờ tôi đã là một ông già tóc bạc. Thường tình người ta đi xa quê lâu ngày khi trở về thăm thường mừng mừng tủi tủi, riêng tôi chỉ có mừng mà không có tủi vì khi tôi ra đi nước nhà còn nô lệ, tôi cũng là một nô lệ nhỏ. Hôm nay tôi trở về đây khi nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã được tự do, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, được học hành. Vừa rồi cải cách ruộng đất nhiều hộ nông dân được chia ruộng đất, trâu bò, nông cụ, cuộc sống đang dần dần thay đổi”.
Từ sau buổi Bác về thăm hôm ấy, Nam Liên như được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới. Từ năm 1958-1960, Nam Liên trở thành xã dẫn đầu huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An về phong trào thanh toán nạn mù chữ, phong trào xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp, công tác an ninh quốc phòng và xây dựng nếp sống mới, được tặng hai Huân chương Lao động hạng 3.
Nam Liên đã phục chế hoàn toàn các di tích ở quê Nội, quê Ngoại, nhân dân đem cây cối nhà mình đến trồng để góp phần đẩy nhanh và hoàn thiện công tác phục chế, đồng thời tình nguyện đắp đường giao thông lớn để ô tô đi lại được từ quốc lộ 46 vào quê ngoại Hoàng Trù lên quê nội Kim Liên.
Ngày 9/12/1961, Nam Đàn nói chung và ông Nguyễn Sinh Quế nói riêng lại vinh dự được đón Bác về thăm quê lần thứ hai. Lúc ấy, ông Nguyễn Sinh Quế là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được Thường vụ cử làm Trưởng ban đón tiếp Bác ở Nam Đàn.
Lần này, Đoàn xe của Bác đi vào quê ngoại Hoàng Trù, Bác vào thăm ngôi nhà cụ Hoàng Xuân Đường và ngôi nhà nhỏ mà ngày 19/5/1890 Bác đã cất tiếng khóc chào đời. Bác thăm hỏi bà con ở Hoàng Trù rồi lên xe đi về Kim Liên.
Bước chân về nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác rất vui vì trong quá trình phục chế 2 ngôi nhà tranh của gia đình Bác ngày xưa đã dựng lại đúng hướng và các cây cảnh như cau, mít, bưởi, ổi, bờ rào râm bụt được trồng lại như xưa.
Vào nhà, Bác đi từ gian đầu đến gian cuối, vừa đi vừa ngắm, vừa sờ vào các hiện vật. Khi đến bên bàn thờ, Bác bảo: “Bàn thờ nhà Bác ngày xưa bằng tre và nó thấp chứ không cao như thế này”, vừa nói Bác vừa chỉ tay vào cột, ông Nguyễn Sinh Quế theo bàn tay Bác chỉ để đánh dấu lại sau này xã sẽ sửa lại thật đúng. Đến gian cuối của nhà lớn có kê một bộ phản gỗ, Bác ngồi lên phản, ngắm nhìn các kỷ vật trong nhà với vẻ rất suy tư, xúc động.
Dưới gốc đa làng, mở đầu câu chuyện, Bác nói: “Lần trước Bác về thăm quê còn đèn nhà ai nấy rạng, hôm nay Bác về đây thì cả làng ta đã là một Hợp tác xã rồi. Xã Nam Liên có 4 hợp tác xã quy mô thôn, số hộ vào hợp tác xã nông nghiệp đã gần 100% như thế là rất tốt… Ban quản trị Hợp tác xã phải là người có đức có tài, biết tổ chức quản lý sản xuất đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng, sử dụng tấc đất tấc vàng để làm ra của cải ngày càng nhiều. Xã viên Hợp tác xã phải có tinh thần làm chủ tập thể thực sự, Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ thì mới mong làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao”.
Bác cũng bày tỏ vui mừng khi thấy các cháu học sinh ăn mặc chỉnh tề, xã lại mới xây ngôi trường cấp 2 bằng ngói khang trang, đón Bác hôm nay lại có các đơn vị bộ đội tham gia thể hiện sự hùng mạnh của lực lượng quốc phòng an ninh, tinh thần quân dân đoàn kết. Sau đó, Bác còn dặn một số việc mà quê hương cần phải ra sức khắc phục, phấn đấu vươn lên.
Với người dân Kim Liên, Nam Đàn, tình cảm đối với Bác thật đặc biệt. Riêng đối với ông Nguyễn Sinh Quế - người con trong dòng họ Nguyễn Sinh thì tình cảm ấy được nhân lên gấp bội.
Bước sang tuổi 80 nhưng với ông Quế, lời dăn dò ân cần của Bác vẫn còn nguyên mới và đi theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, làm việc, cống hiến đến tận hôm nay. “Cháu phải luôn nhớ rằng: Cán bộ là người đầy tớ của nhân dân, phải vì quyền lợi của nhân dân mà làm việc. Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng phải làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ mấy cháu cũng phải tránh”. Bác còn dặn thêm: “Cháu phải ra sức học tập, rèn luyện để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân nhiều hơn, tốt hơn nhưng phải luôn nhớ rằng không được vì cá nhân thành tích mà quên mất lợi ích của nhân dân. Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân không có lợi ích nào khác”.
Lời dạy bảo chân thành đó của Bác Hồ là "kim chỉ nam" đã đi theo ông Nguyễn Sinh Quế suốt cuộc đời. Trong đợt vận động người dân hiến đất để làm con đường liên huyện nối quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương của cụ Phan Bội Châu, ông đã xung phong hiến 500m2 đất ruộng của gia đình để phục vụ công tác làm đường.
Điều đáng trân trọng là mảnh ruộng của gia đình ông tuy không nằm trong diện phải giải tỏa nhưng ông vẫn tình nguyện hiến để dành ruộng cho những gia đình chẳng may bị cắt để làm đường. Để cổ vũ cho phong trào này, ông còn làm thơ, ca ngợi con đường lịch sử, ca ngợi nghĩa tình cao đẹp của bà con trong thôn.
Nhắc về con đường này, ông bồi hồi kể lại: "Từ năm 1963, khi tôi còn là Bí thư xã Nam Kim người dân đã mở con đường Đan Nhiệm nối từ quê cụ Hồ sang quê cụ Phan. Tuy nhiên do nhiều hoàn cảnh khách quan, từ bấy đến nay con đường vẫn đang là đường đất. Phải chờ đợi gần 40 năm sau, người dân Nam Đàn mới thỏa được niềm ao ước mở rộng và nâng cấp cho con đường này. Vì thế không riêng gì tôi mà hàng chục hộ gia đình khác trong thôn đều rất hồ hởi hiến đất. Tôi cũng rất mừng bởi không riêng gì Kim Liên mà phong trào hiến đất còn lan sang nhiều xã khác ở Nam Đàn như Hùng Tiến, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Khánh Sơn…"
Trực tiếp đón Bác hai lần khi Người về thăm quê, được Bác dặn dò, bảo ban là những kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc đối với ông. Thẳm sâu trong tâm hồn ông Quế, hình ảnh vị cha già dân tộc vẫn luôn ngự trị và soi sáng mỗi bước ông đi./.
Đã 55 năm trôi qua, nhưng ký ức ngày Bác về thăm quê vào sáng 16/6/1957 vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Sinh Quế. Lúc đó với tư cách là Bí thư Đảng ủy xã Nam Liên, ông vinh dự được trực tiếp đón Bác.
Trong ký ức của ông, Bác lúc đó đẹp như một ông tiên. Ở tuổi 67 trông Bác vẫn còn nhanh nhẹn lắm, mái tóc bạc, mắt sáng, da dẻ hồng hào, râu thưa và nhớ nhất là nụ cười hiền hậu, giọng nói trầm ấm.
Trước đông đảo bà con, Bác nói: “Khi tôi ra đi còn bé như các cháu này, bây giờ tôi đã là một ông già tóc bạc. Thường tình người ta đi xa quê lâu ngày khi trở về thăm thường mừng mừng tủi tủi, riêng tôi chỉ có mừng mà không có tủi vì khi tôi ra đi nước nhà còn nô lệ, tôi cũng là một nô lệ nhỏ. Hôm nay tôi trở về đây khi nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã được tự do, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, được học hành. Vừa rồi cải cách ruộng đất nhiều hộ nông dân được chia ruộng đất, trâu bò, nông cụ, cuộc sống đang dần dần thay đổi”.
Từ sau buổi Bác về thăm hôm ấy, Nam Liên như được tiếp thêm một nguồn sinh lực mới. Từ năm 1958-1960, Nam Liên trở thành xã dẫn đầu huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An về phong trào thanh toán nạn mù chữ, phong trào xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp, công tác an ninh quốc phòng và xây dựng nếp sống mới, được tặng hai Huân chương Lao động hạng 3.
Nam Liên đã phục chế hoàn toàn các di tích ở quê Nội, quê Ngoại, nhân dân đem cây cối nhà mình đến trồng để góp phần đẩy nhanh và hoàn thiện công tác phục chế, đồng thời tình nguyện đắp đường giao thông lớn để ô tô đi lại được từ quốc lộ 46 vào quê ngoại Hoàng Trù lên quê nội Kim Liên.
Ngày 9/12/1961, Nam Đàn nói chung và ông Nguyễn Sinh Quế nói riêng lại vinh dự được đón Bác về thăm quê lần thứ hai. Lúc ấy, ông Nguyễn Sinh Quế là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh được Thường vụ cử làm Trưởng ban đón tiếp Bác ở Nam Đàn.
Lần này, Đoàn xe của Bác đi vào quê ngoại Hoàng Trù, Bác vào thăm ngôi nhà cụ Hoàng Xuân Đường và ngôi nhà nhỏ mà ngày 19/5/1890 Bác đã cất tiếng khóc chào đời. Bác thăm hỏi bà con ở Hoàng Trù rồi lên xe đi về Kim Liên.
Bước chân về nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác rất vui vì trong quá trình phục chế 2 ngôi nhà tranh của gia đình Bác ngày xưa đã dựng lại đúng hướng và các cây cảnh như cau, mít, bưởi, ổi, bờ rào râm bụt được trồng lại như xưa.
Vào nhà, Bác đi từ gian đầu đến gian cuối, vừa đi vừa ngắm, vừa sờ vào các hiện vật. Khi đến bên bàn thờ, Bác bảo: “Bàn thờ nhà Bác ngày xưa bằng tre và nó thấp chứ không cao như thế này”, vừa nói Bác vừa chỉ tay vào cột, ông Nguyễn Sinh Quế theo bàn tay Bác chỉ để đánh dấu lại sau này xã sẽ sửa lại thật đúng. Đến gian cuối của nhà lớn có kê một bộ phản gỗ, Bác ngồi lên phản, ngắm nhìn các kỷ vật trong nhà với vẻ rất suy tư, xúc động.
Dưới gốc đa làng, mở đầu câu chuyện, Bác nói: “Lần trước Bác về thăm quê còn đèn nhà ai nấy rạng, hôm nay Bác về đây thì cả làng ta đã là một Hợp tác xã rồi. Xã Nam Liên có 4 hợp tác xã quy mô thôn, số hộ vào hợp tác xã nông nghiệp đã gần 100% như thế là rất tốt… Ban quản trị Hợp tác xã phải là người có đức có tài, biết tổ chức quản lý sản xuất đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng, sử dụng tấc đất tấc vàng để làm ra của cải ngày càng nhiều. Xã viên Hợp tác xã phải có tinh thần làm chủ tập thể thực sự, Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ thì mới mong làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao”.
Bác cũng bày tỏ vui mừng khi thấy các cháu học sinh ăn mặc chỉnh tề, xã lại mới xây ngôi trường cấp 2 bằng ngói khang trang, đón Bác hôm nay lại có các đơn vị bộ đội tham gia thể hiện sự hùng mạnh của lực lượng quốc phòng an ninh, tinh thần quân dân đoàn kết. Sau đó, Bác còn dặn một số việc mà quê hương cần phải ra sức khắc phục, phấn đấu vươn lên.
Với người dân Kim Liên, Nam Đàn, tình cảm đối với Bác thật đặc biệt. Riêng đối với ông Nguyễn Sinh Quế - người con trong dòng họ Nguyễn Sinh thì tình cảm ấy được nhân lên gấp bội.
Bước sang tuổi 80 nhưng với ông Quế, lời dăn dò ân cần của Bác vẫn còn nguyên mới và đi theo suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, làm việc, cống hiến đến tận hôm nay. “Cháu phải luôn nhớ rằng: Cán bộ là người đầy tớ của nhân dân, phải vì quyền lợi của nhân dân mà làm việc. Việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ mấy cũng phải làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ mấy cháu cũng phải tránh”. Bác còn dặn thêm: “Cháu phải ra sức học tập, rèn luyện để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân nhiều hơn, tốt hơn nhưng phải luôn nhớ rằng không được vì cá nhân thành tích mà quên mất lợi ích của nhân dân. Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân không có lợi ích nào khác”.
Lời dạy bảo chân thành đó của Bác Hồ là "kim chỉ nam" đã đi theo ông Nguyễn Sinh Quế suốt cuộc đời. Trong đợt vận động người dân hiến đất để làm con đường liên huyện nối quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương của cụ Phan Bội Châu, ông đã xung phong hiến 500m2 đất ruộng của gia đình để phục vụ công tác làm đường.
Điều đáng trân trọng là mảnh ruộng của gia đình ông tuy không nằm trong diện phải giải tỏa nhưng ông vẫn tình nguyện hiến để dành ruộng cho những gia đình chẳng may bị cắt để làm đường. Để cổ vũ cho phong trào này, ông còn làm thơ, ca ngợi con đường lịch sử, ca ngợi nghĩa tình cao đẹp của bà con trong thôn.
Nhắc về con đường này, ông bồi hồi kể lại: "Từ năm 1963, khi tôi còn là Bí thư xã Nam Kim người dân đã mở con đường Đan Nhiệm nối từ quê cụ Hồ sang quê cụ Phan. Tuy nhiên do nhiều hoàn cảnh khách quan, từ bấy đến nay con đường vẫn đang là đường đất. Phải chờ đợi gần 40 năm sau, người dân Nam Đàn mới thỏa được niềm ao ước mở rộng và nâng cấp cho con đường này. Vì thế không riêng gì tôi mà hàng chục hộ gia đình khác trong thôn đều rất hồ hởi hiến đất. Tôi cũng rất mừng bởi không riêng gì Kim Liên mà phong trào hiến đất còn lan sang nhiều xã khác ở Nam Đàn như Hùng Tiến, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Khánh Sơn…"
Trực tiếp đón Bác hai lần khi Người về thăm quê, được Bác dặn dò, bảo ban là những kỷ niệm thiêng liêng, sâu sắc đối với ông. Thẳm sâu trong tâm hồn ông Quế, hình ảnh vị cha già dân tộc vẫn luôn ngự trị và soi sáng mỗi bước ông đi./.
Bích Huệ (TTXVN)