Giá dầu châu Á lên gần mức cao nhất 7 năm trong chiều cuối năm Tân Sửu

Nỗi lo tiềm ẩn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cùng với những rủi ro địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông đang diễn ra khiến thị trường dầu mỏ bắt đầu xu hướng tăng giá trong tuần này.
Giá dầu châu Á lên gần mức cao nhất 7 năm trong chiều cuối năm Tân Sửu ảnh 1Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á tăng hơn 1% trong phiên chiều 31/1 lên gần mức cao nhất 7 năm đạt được trong phiên trước do lo ngại về nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng ở Đông Âu và Trung Đông.

Tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent tăng 1,28 USD (1,4%) lên 91,31 USD/thùng sau khi tăng 69 xu Mỹ vào thứ Sáu (28/1). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,14 USD (1,3%) lên 87,96 USD/thùng, tăng 21 xu Mỹ vào thứ Sáu (28/1).

Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại trung tâm Fujitomi Securities Co Ltd., cho biết, nỗi lo tiềm ẩn về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, cùng với những rủi ro địa chính trị đang diễn ra khiến thị trường bắt đầu xu hướng tăng giá trong tuần này.

Với kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ sẽ vẫn duy trì chính sách tăng dần sản lượng, giá dầu sẽ trong xu hướng đi lên trong tuần này, trong đó giá dầu Brent có khả năng sẽ duy trì trên 90 USD/thùng còn WTI sẽ hướng tới ngưỡng 90 USD/thùng.

[Giá dầu thế giới lần đầu vượt ngưỡng 90 USD mỗi thùng kể từ năm 2014]

Các nhà phân tích sự đoán trong cuộc họp ngày 2/2 tới OPEC+ có thể sẽ bám sát kế hoạch tăng mục tiêu sản lượng dầu vào tháng 3/2021.

Căng thẳng giữa Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, và phương Tây cũng dấy lên lo ngại rằng nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu có thể bị gián đoạn.

Thị trường cũng bất an trước những diễn biến mới về tình hình Trung Đông giữa Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và lực lượng Houthi ở Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục