Giá dầu tăng trong phiên 13/10 tại châu Á, khi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, trong tuần trước, khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo quyết định này có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 49 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 92,94 USD/thùng vào lúc 15 giờ 33 phút (theo giờ Việt Nam). Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 37 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 87,64 USD/thùng.
Trong tuần trước, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, nhờ đó đẩy giá dầu tăng.
Ngày 13/10, IEA nhận định kế hoạch của OPEC+ làm thay đổi quỹ đạo tăng trưởng nguồn cung dầu trong năm nay và năm tới, khi giá dầu tăng đã khiến các thị trường thêm biến động và gây lo ngại về an ninh năng lượng.
IEA đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay xuống 1,9 triệu thùng/ngày và năm tới 470.00 triệu thùng/ngày xuống 1,7 triệu thùng/ngày.
[Giá dầu trên thị trường thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp]
Trước đó, ngày 12/10, OPEC đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu năm nay 460.000 thùng/ngày, xuống 2,64 triệu thùng/ngày, khi Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 và lạm phát cao. Tăng trưởng tăng nhu cầu của năm tới được điều chỉnh giảm 360.000 thùng/ngày, xuống 2,34 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu yếu đi đang góp phần khiến dự trữ tăng. Lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/10.
Thị trường năng lượng cũng chịu sức ép khi đồng USD lên giá.
Cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát đã khiến lợi suất trái phiếu tăng, từ đó khiến đồng tiền của Mỹ hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài./.