Chuyên gia kinh tế Mỹ-Anh ủng hộ việc áp mức trần giá dầu của Nga

Mức trần giá dầu, đượ các nước G7 nhất trí vào tháng trước, sẽ làm giảm doanh thu của Nga bằng cách tăng cường vị thế đàm phán của các khách mua dầu từ bất kỳ nước nào.
Chuyên gia kinh tế Mỹ-Anh ủng hộ việc áp mức trần giá dầu của Nga ảnh 1Một giàn khoan dầu tại khu vực Almetyevsk (Nga). (Ảnh: TASS/TTXVN)

Trong bức thư mới đây gửi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, 16 nhà kinh tế học từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ và Anh cho rằng việc áp mức trần giá dầu của Nga có thể làm giảm đáng kể doanh thu của Nga, đồng thời khuyến khích Nga đẩy mạnh sản xuất dầu.

Mức trần giá dầu, được Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí vào tháng trước, sẽ làm giảm doanh thu của Nga bằng cách tăng cường vị thế đàm phán của các khách mua dầu từ bất kỳ nước nào.

Các nhà kinh tế trên bao gồm Simon Johnson tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Jason Furman của Đại học Harvard và Ryan Kellogg của Đại học Chicago, đã viết trong bức thư rằng: "Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng tất cả các giao dịch sẽ được thực hiện dưới mức giá trần, nhưng sự tồn tại của mức giá trần sẽ làm tăng đáng kể khả năng thương lượng của các khách hàng mua dầu của Nga.”

[Mỹ công bố hướng dẫn pháp lý về việc áp trần giá dầu Nga]

Liên minh châu Âu (EU) tuần trước đã thông qua đợt trừng phạt thứ tám chống lại Nga vì cuộc xung đột với Ukraine, bao gồm việc giới hạn mức trần giá dầu. Tuy nhiên, EU cho biết khối này cần phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện các lệnh trừng phạt này.

Lo ngại về sự không chắc chắn do mức trần giá dầu tạo ra là một lý do khiến các quan chức Saudi Arabia ủng hộ việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, vào tuần trước.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm tăng chi phí năng lượng đối với các quốc gia đang gặp khó khăn và có thể khiến một số nước tìm kiếm cơ hội mua dầu dưới mức trần khi châu Âu ngừng mua dầu của Nga sau ngày 5/12 tới.

Quan chức này cho biết: “Việc áp giá trần đối với dầu của Nga tạo ra cơ hội thực sự cho một số quốc gia đang đối mặt với thách thức mua dầu dưới giá trần để giảm bớt áp lực ngân sách và áp lực lạm phát”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục