Giá dầu tăng trong bối cảnh châu Âu đang lạnh giá

Ngoài các nhân tố cơ bản đang hỗ trợ thị trường, giá dầu còn nhận được "sự ủng hộ" của một mùa Đông buốt giá trên toàn châu Âu.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 9/12, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 1/2010 tăng 74 xu lên 89,02 USD/thùng.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 54 xu lên 91,31 USD/thùng.

Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu tăng trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một đợt lạnh mới. Barclays Capital nhận định ngoài các nhân tố cơ bản đang hỗ trợ thị trường, giá dầu còn nhận được sự ủng hộ của một mùa Đông buốt giá trên toàn châu Âu.

Tình trạng giao thông hỗn độn tại Pháp và Scotland hồi đầu tuần lại tái diễn khi nhiệt độ bỏ qua mốc 0 độ C, khiến nhiều sân bay, thậm chí cả tháp Eiffel phải đóng cửa và nhiều xa lộ bị chia cắt. Thời tiết này làm tăng nhu cầu dầu mỏ khi người dân cần thêm dầu sưởi ấm.

Theo những thống kê mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 3/12, dự trữ dầu thô của nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới này giảm 3,8 triệu thùng, trong khi các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires dự đoán mức giảm là 1,2 triệu thùng.

Đồng USD xuống giá cũng là nhân tố đẩy giá dầu tăng, do mặt hàng này đang trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các tiền tệ khác. Khi thiếu "chất xúc tác" mạnh từ thị trường năng lượng, hay không có những thống kê kinh tế thuyết phục, giá dầu thường chạy theo những biến động trên thị trường tiền tệ và chứng khoán.

Từ đầu tuần tới nay, giá dầu luôn "lượn" trên mốc 80 USD/thùng. Đặc biệt, trong phiên 7/12, giá dầu đã vọt lên 90,76 USD/thùng.

Một số chuyên gia phân tích dự đoán sức tiêu thụ dầu thô tại châu Á và các nền kinh tế mới nổi sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu trong năm 2011.

Theo công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, mức tiêu thụ dầu mỏ đã leo lên mức kỷ lục 86,7 triệu thùng/ngày trong quý 3/2010 và có thể đạt 88,1 triệu thùng năm 2011.

Cũng theo Wood Mackenzie, khoảng 85% trong mức tăng nhu cầu dầu mỏ năm 2010 (2,5 triệu thùng/ngày) là từ các nước đang phát triển. Nhóm nước này có thể chiếm 80% mức tăng của nhu cầu năm 2011 và 2012, với cỗ máy đi đầu là Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục