Giá dầu thế giới đi xuống trước thềm cuộc họp G20 và OPEC

Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 27/11 do sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những dấu hiệu về sản lượng dầu thô trên toàn cầu "đầy" lên.
Giá dầu thế giới đi xuống trước thềm cuộc họp G20 và OPEC ảnh 1(Nguồn: Telegraph)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên ngày 27/11 do sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những dấu hiệu về sản lượng dầu thô trên toàn cầu "đầy" lên.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị hạn chế bởi đồn đoán rằng các nhà xuất khẩu "vàng đen" sẽ nhất trí kế hoạch cắt giảm sản lượng tại cuộc họp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sắp tới.

Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 27 xu Mỹ xuống 60,21 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ xuống 51,56 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2017, trong đó dầu Brent chạm mức 58,41 USD/thùng, còn dầu WTI ở mức 50,15 USD/thùng.

Hai loại dầu này cũng đã để mất hơn 30% giá trị kể từ đầu tháng 10, nguyên nhân do tình trạng dư thừa nguồn cung đang nổi lên và sự suy yếu của thị trường tài chính lan rộng.

Các nhà đầu tư, giao dịch và các chuyên gia phân tích đang hướng sự chú ý đến cuộc họp lãnh đạo Nhóm G20 gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, vào hai ngày 30/11-1/12, trong đó cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh là chủ đề trọng tâm.

[Giá dầu thô trên thị trường thế giới xuống mức thấp nhất một năm qua]

Ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song đồng thời chuẩn bị phương án tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không có bất cứ sự đột phá nào với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bên cạnh đó, ba nước sản xuất dầu hàng đầu là Nga, Mỹ và Saudi Arabia cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, theo đó làm dấy lên đồn đoán chính sách về dầu mỏ sẽ được đưa ra bàn thảo.

OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 6/12 tới tại Vienna, Áo để thảo luận chính sách sản lượng với một số nhà sản xuất không thuộc tổ chức này, trong đó có Nga.

Các nguồn tin thân cận tiết lộ với hãng tin Reuters cho hay Saudi Arabia đã nâng sản lượng lên mức cao kỷ lục 11,1-11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018. Tuy nhiên, quốc gia này đang chuẩn bị cho một thỏa thuận cắt giảm sản xuất chung, đồng thời đang thảo luận đề xuất hạn chế sản lượng từ OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt lên tới 1,4 triệu thùng/ngày. Tổng thống Trump đã gây sức ép để Saudi Arabia không cắt giảm sản lượng.

Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng này, khoảng 11,7 triệu thùng/ngày, trong đó các kho dự trữ tăng tuần thứ chín liên tiếp.

Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3,5 triệu thùng trong tuần trước lên 442,7 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 769.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục