Sau khi tăng hơn 2 USD trong phiên cuối tuần này, giá dầu thế giới đã khép lại tuần đi lên thứ hai liên tiếp, giữa bối cảnh Nga cho biết nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu thô để đáp lại việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp trần giá đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Thị trường “vàng đen” đi lên liên tiếp trong ba phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 19-21/12), nhờ đồng USD suy yếu và hy vọng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng sau khi nước này nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới dịch COVID-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia cho biết rằng động thái cắt giảm sản lượng dầu bị chỉ trích nặng nề của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) lại là một quyết định đúng đắn. Nhà phân tích Tina Teng của công ty tư vấn CMC Markets (Anh) cho biết các bình luận này cho thấy OPEC+ có thể tiếp tục thắt chặt nguồn cung trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ gây suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn gây sức ép lên thị trường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2023, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Anh cũng có những cảnh báo tương tự, dù các số liệu cho thấy các nền kinh tế đang cảm nhận những tác động.
[Giá vàng và giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch 20/12]
Các nhà phân tích cho biết mặc dù Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng chống COVID-19, nhưng sự gia tăng số ca nhiễm đã gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ do sự không chắc chắn về khả năng phục hồi kinh tế của nước này.
“Điểm tối” duy nhất trong diễn biến của thị trường năng lượng tuần này là phiên 22/12, khi khi các tài sản rủi ro mất sức hấp dẫn do diễn ra hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán, dù cho Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 5,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/12.
Kết thúc phiên cuối tuần ngày 23/12, giá dầu Brent tiến 2,94 USD (tương đương 3,6%) lên 83,92 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cộng 2,07 USD (tương đương 2,7%) lên 79,56 USD/thùng.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5-7% vào đầu năm 2023 để đối phó với sự áp đặt trần giá của phương Tây.
Theo tính toán của hãng tin Reuters (Anh), xuất khẩu dầu Baltic của Nga trong tháng 12/2022 có thể sụt giảm 20% so với tháng trước sau khi Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia G7 áp đặt lệnh trừng phạt và trần giá đối với dầu thô của Nga từ ngày 5/12.
Một cơn bão tuyết lớn đang quét qua một khu vực rộng lớn của Mỹ, buộc hàng ngàn chuyến bay bị huỷ, làm xáo trộn kế hoạch của du khách trong thời gian được kỳ vọng là một mùa lễ hội bận rộn và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu dầu mỏ tại đây. Một số nhà máy lọc dầu lớn nhất của Mỹ đã đóng cửa do thời tiết quá lạnh trong khi sản lượng dầu ở Texas và Bắc Dakota bị đình trệ.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo cho biết ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự kiến giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào năm tới do Nga cắt giảm sản lượng và nới lỏng các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc./.