Giá dầu thế giới giảm sau khi OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu

Lạm phát và lãi suất cao cùng những thách thức kinh tế ngày càng lớn, giá dầu thế giới đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch ngày 14/11.
Giá dầu thế giới giảm sau khi OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu ảnh 1Một trạm xăng ở Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao, giá dầu thế giới đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch ngày 14/11.

Cụ thể, tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 12 giảm 3,09 USD, tương đương 3,5%, xuống 85,87 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 1 giảm 2,85 USD, tương đương 3%, chốt phiên ở mức 93,14 USD/thùng tại sàn giao dịch London (Anh).

Trước đó, trong báo cáo hằng tháng công bố cùng ngày 14/11, OPEC nhận định nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, giảm 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

[Thách thức ngày càng lớn, OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ]

OPEC cho rằng nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý 4/2022.

Các rủi ro này bao gồm lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp và những hạn chế kéo dài của chuỗi cung ứng.

OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 có thể tăng thêm 2,24 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Theo OPEC, bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023.

OPEC cho rằng triển vọng kinh tế có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn giải pháp cho vấn đề địa chính trị tại Đông Âu có thể tác động đến lạm phát, giúp giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC cùng các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới nhằm thống nhất chính sách. Tuần trước, Saudi Arabia cho biết OPEC+ vẫn đang giữ lập trường thận trọng.

Theo giới phân tích, giá dầu thế giới còn bị ảnh hưởng bởi sự phục hồi của đồng USD. Chỉ số đồng USD so sánh "đồng bạc xanh" với 6 đồng tiền mạnh khác tăng 0,34% lên 106,6590. Trong lịch sử, giá dầu thường tỷ lệ nghịch với giá USD.

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 14/11, sau làn sóng tăng điểm trên toàn cầu tuần trước.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,6% xuống còn 33.536,70 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq cũng mất 1,1%, dừng ở 11.196,22 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 0,9%, chốt phiên ở 3.957,25 điểm.

Đồng USD tăng giá và chứng khoán giảm điểm trong bối cảnh các nhà giao dịch kêu gọi thận trọng trước những kỳ vọng rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất ồ ạt, sau khi lạm phát "hạ nhiệt" ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại châu Âu, sau khi dữ liệu sản xuất công nghiệp ở khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận tín hiệu tích cực hơn dự báo, với mức tăng hằng tháng đạt 0,9% trong tháng Chín, các chỉ số chứng khoán tại châu lục này đã tăng điểm.

Chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Anh) tăng 0,9%, chốt phiên ở mức 7.385,17 điểm; chỉ số DAX trên thị trường Frankfurt (Đức) cũng ghi nhận mức tăng 0,6% lên 14.313,30 điểm. Chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng 0,2% lên 6.609,17 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục