Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Giá dầu thô thế giới sụt giảm đồng nghĩa với việc Việt Nam phải giảm tỷ trọng xuất khẩu dầu thô, bị hụt thu ngân sách Nhà nước cũng như phải đối mặt với rất nhiều tác động đến đời sống kinh tế-xã hội.
Giá dầu thế giới giảm tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tháng 11/2014, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 với mức tổng thu cân đối trên 921.000 tỷ đồng (kể cả thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang) và tổng chi cân đối là 1,147 triệu tỷ đồng.

Các cân đối ngân sách này được tính toán dựa trên cơ sở thu nội địa (gồm cả xuất khẩu dầu thô) dự kiến sẽ tăng 13,4% so với năm 2014, khi giá dầu thô quốc tế dự toán khoảng 100 USD/thùng.

Hơn ba tháng qua, giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, phổ biến ở mức dưới 60 USD/thùng, thậm chí có thời điểm “rớt” giá dưới 50 USD/thùng và liệu có xuống dưới 40 USD/thùng hay không thì khó có thể đoán định.

Giá dầu thô thế giới sụt giảm đồng nghĩa với việc Việt Nam phải giảm tỷ trọng xuất khẩu dầu thô, bị hụt thu ngân sách Nhà nước cũng như phải đối mặt với rất nhiều tác động trực tiếp, gián tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội.

Vấn đề đặt ra là theo sau những tác động ấy thì đâu là mặt tiêu cực và mặt tích cực. Câu chuyện được và mất ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam như thế nào đang được Chính phủ, đại diện các Bộ, ban ngành, các chuyên gia kinh tế và toàn xã hội hết sức quan tâm.

Mới đây, Chính phủ và những người đứng đầu bốn cơ quan lớn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp bàn để thống nhất phương án ứng phó khi giá dầu thô thế giới sụt giảm ở các ngưỡng 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng.

Quan điểm chung cho thấy giá dầu càng giảm thấp bao nhiêu thì những xáo trộn đối với đời sống kinh tế-xã hội càng lớn bấy nhiêu.

Đầu tiên là ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành khai thác dầu khí. Việc tiết giảm sản lượng, thậm chí phải dừng sản xuất hoặc khai thác ở một số mỏ có chi phí giá thành cao là điều khó tránh khỏi.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, nếu kịch bản giá dầu ở mức 40 USD/thùng thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu phải giảm từ 1,8-2 triệu tấn dầu thô. Như vậy, kế hoạch năm 2015 mà Chính phủ giao cho ngành công thương là đạt chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước 14,74 triệu tấn dầu quy đổi sẽ khó khả thi, thậm chí có thể chỉ đạt 13,08 triệu tấn nếu tình huống xấu nhất xảy ra khi giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng. Đó là chưa kể tác động tới những dự án đầu tư lớn ở trong và ngoài nước về khai thác, hóa dầu.

Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết giá dầu thô thế giới sụt giảm sẽ tác động không nhỏ tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các đơn vị thành viên thuộc PVN.

Tập đoàn này cũng đã tự xây dựng phương án cho các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện trong năm 2015. Theo đó, ở điều kiện bình thường khi giá dầu là 100 USD/thùng thì tổng doanh thu toàn PVN sẽ đạt trên 718.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 159.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 58.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở tình huống xấu nhất khi giá dầu xuống mức 40 USD/thùng thì tổng doanh thu toàn PVN sẽ chỉ còn 434.500 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 79.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế còn 25.200 tỷ đồng.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh PVN chủ động thực hiện các giải pháp tài chính để kịp thời ứng phó với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2015. Cụ thể như điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng GDP, thu nộp ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ở góc nhìn rộng hơn, đánh giá tác động tới nguồn thu ngân sách khi gía dầu giảm mạnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng nếu giá dầu cứ giảm đi 1 USD cho một thùng dầu thì Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tăng trưởng kinh tế và tiền đóng thuế có thể bù đắp cho khoản hụt thu này, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra tính toán khi giá dầu giảm ở mức 60 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 1.500 tỷ đồng; nếu 50 USD/thùng, ngân sách hụt thu 9.500 tỷ đồng và nếu 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 11.500 tỷ đồng.

Xem xét tác động của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế, ông Vinh cũng nhận định với ba kịch bản về giá dầu thô khi trượt xuống mức 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm tương ứng 0,21 điểm phần trăm; 0,56 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm so với dự kiến.

Như vậy, ở tình huống xấu nhất thì tăng trưởng kinh tế của năm 2015 sẽ chỉ đạt 5,2% thay vì mức 6,2% như dự kiến chỉ tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Tác động tiêu cực là vậy, song bù lại nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự tự chủ hơn, ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ và chi tiêu cũng dần dần hướng tới tiết kiệm, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trên thực tế, người dân và toàn xã hội đang được hưởng lợi rất nhiều khi giá xăng dầu thế giới và trong nước giảm mạnh bất ngờ. Mới đây nhất, người dân được chứng kiến giá xăng giảm hơn 1/3, từ mức đỉnh khoảng 25.000 đồng/lít xuống chỉ còn gần 16.000 đồng/lít.

Giá cước vận tải bắt đầu có xu hướng điều chỉnh giảm, tuy chưa nhiều nhưng cũng được ghi nhận là có tích cực. Điều này giúp tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và mang lại kết quả tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đại bộ phận các doanh nghiệp hiện nay.

Theo tính toán của chuyên gia thống kê Bùi Trinh, nếu giá xăng dầu giảm 20% thì GDP có các kịch bản tăng từ 1,8% đến 2,2%. Như vậy, thời gian qua, mặt hàng xăng khoáng A92 đã giảm hơn 30%/năm đã giúp mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định việc giá dầu thế giới giảm không thực sự đáng ngại như các Bộ, ngành và dư luận đang lo lắng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục