Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 22/12, do lo ngại về nguồn cung thắt chặt và sự suy giảm mạnh hơn dự kiến lượng dự trữ dầu thô của Mỹ.
Những điều này đã lấn át những quan ngại cho rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới Omicron có thể tác động tiêu cực tới hoạt động kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 99 xu Mỹ (1,4%), lên 72,11 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 79 xu Mỹ (1,1%), lên 74,76 USD/thùng, sau khi chứng kiến mức tăng ấn tượng 3,4% ở phiên trước đó.
[Giá dầu tăng nhẹ do nhà đầu tư thận trọng về sự lây lan của Omicron]
Báo cáo cùng ngày của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,7 triệu thùng vào tuần trước (kết thúc ngày 17/12), mức giảm mạnh hơn dự kiến với dự trữ dầu thô, cho dù kết quả này phần nào là do sự cân nhắc về các khoản đóng thuế cuối năm thường khiến các công ty không tích trữ nhiều dầu thô.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, cho biết sản lượng giảm và lượng dầu tồn kho cũng giảm đã mang lại cho thị trường một triển vọng tích cực.
Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng nhiều người dân Mỹ đã đột ngột thay đổi kế hoạch di chuyển trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh do đại dịch, và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu của nước tiêu thụ xăng lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Bob Yawger, Giám đốc mảng năng lượng kỳ hạn tại Mizuho Securities, cho biết: “Dịch COVID-19 đang 'giết chết' nhu cầu xăng chỉ trong một tuần.”
Việc hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu đã làm tăng thêm lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu nhiên liệu.
Đức, Ireland, Hà Lan và Hàn Quốc là một trong số các quốc gia đã tại áp đặt các biện pháp đóng cửa một phần hoặc toàn bộ nền kinh tế, hoặc các biện pháp giãn cách xã hội khác trong những ngày gần đây.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có gây chết người nhiều hơn biến thể Delta hay không.
Một nghiên cứu từ Nam Phi cho thấy chủng virus này ít có khả năng khiến người bệnh trở nặng hơn biến thể Delta, một phần là nhờ các biện pháp cứng rắn của các chính phủ trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể này.
Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel, cho biết nhà sản xuất vaccine này không cho rằng sẽ xảy ra bất kỳ vấn đề nào nếu người dân tiêm thêm 1 mũi tiêm tăng cường để bảo vệ khỏi biến thể Omicron.
Trong khi đó, Pfizer, một trong những nhà sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu thế giới cho biết, thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của họ đã được phê duyệt để sử dụng tại nhà.
Đối tượng sử dụng thuốc này là những người đã nhiễm COVID-19 và có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng và số lần nhập viện.
Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới cuộc họp của Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC vào ngày 4/1 tới./.