Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 31/10, do lo ngại rằng việc tăng cường các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 ở Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng của nước này.
Thông tin này đã lấn át các dấu hiệu cho thấy sản lượng tại các mỏ dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ đang giảm dần.
Sáng phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 23 xu Mỹ (0,3%), xuống 87,67 USD/thùng, sau khi giảm 1,2% vào cuối tuần trước. Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn mất 36 xu Mỹ (0,4%), xuống 95,41 USD/thùng.
[Thị trường dầu thế giới khởi sắc bất chấp phiên giảm cuối tuần]
Chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management cho biết việc Trung Quốc áp đặt rộng hơn các hạn chế về COVID-19 luôn làm dấy lên lo ngại về nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn được hỗ trợ bởi các tín hiệu từ các nhà sản xuất dầu lớn của Mỹ khi cho rằng năng suất và sản lượng dầu ở lưu vực Permian - mỏ đá phiến hàng đầu của Mỹ - đang chậm lại.
Các cảnh báo trên được đưa ra ngay khi xuất khẩu dầu của Mỹ ghi nhận mức tăng cao kỷ lục vào tuần trước, nhân tố đẩy giá dầu WTI tăng 3,4%. Trong khi đó, giá dầu Brent đã tăng 2,4% trong tuần trước, ghi nhận mức tăng tuần thứ hai liên tiếp.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tái khẳng định các mục tiêu chính sách hiện tại của mình trong việc giữ thanh khoản dồi dào hợp lý và tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế.
Trong một triển vọng sẽ được Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố vào ngày 31/10, tổ chức này dự kiến sẽ bám sát quan điểm về việc nhu cầu dầu tăng trong một thập kỷ tới, mặc dù việc sử dụng năng lượng tái tạo và ôtô điện ngày càng tăng.
Trong khi đó, lợi nhuận cao ngất ngưởng của các tập đoàn năng lượng khổng lồ toàn cầu, bao gồm Exxon Mobil Corp và Chevron Corp, lại làm dấy lên lời kêu gọi áp thuế lợi nhuận cao đột biến./.