Giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất trong gần hai tuần qua

Các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn chưa bị gián đoạn nhiều do ảnh hưởng tình hình căng thẳng ở Trung Đông.

Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một giếng dầu ở tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 12/2, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8 xu Mỹ (0,1%) lên 76,92 USD/thùng, và cũng là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/1.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 19 xu Mỹ (0,2%) xuống 82 USD/thùng.

Giá dầu giao kỳ hạn ít biến động trong phiên giao dịch 12/2 do thị trường lo ngại về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên mức đỉnh vào năm 2030.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong 20 năm tới.

Các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu vẫn chưa bị gián đoạn đáng kể bất chấp tình hình căng thẳng ở Trung Đông.

Còn tại Mỹ, sản lượng dầu tại các khu vực sản xuất đá phiến hàng đầu dự kiến duy trì đà tăng trong tháng 3/2024 và hướng đến mức cao nhất trong 4 tháng, theo báo cáo triển vọng năng lượng liên bang.

Cũng trong ngày 12/2, Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais cho biết khối này đang đàm phán với một số quốc gia quan tâm đến việc gia nhập liên minh giữa OPEC và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, đồng thời khẳng định OPEC cam kết tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của thị trường năng lượng bất chấp những căng thẳng địa chính trị hiện nay trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Al-Ghais khẳng định danh sách các quốc gia mong muốn gia nhập OPEC+ sẽ được công bố sau khi quá trình tham vấn được hoàn tất.

Ông Al-Ghais đưa ra phát biểu trên sau khi Brazil, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở khu vực Nam Mỹ và là một trong 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, chính thức trở thành thành viên của OPEC+ từ đầu năm nay.

Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh: "Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và những nỗ lực chung trong các lĩnh vực như công nghệ, Điều lệ Hợp tác của OPEC+ hướng tới mục đích ổn định thị trường dầu mỏ và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong ngành dầu mỏ, bao gồm cả các quốc gia sản xuất và tiêu thụ."

Ông Al-Ghais giải thích thêm Điều lệ Hợp tác đóng vai trò nền tảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán và chia sẻ quan điểm về các điều kiện và xu hướng trên thị trường năng lượng và dầu mỏ toàn cầu.

Theo ông Al-Ghais, mục tiêu cuối cùng của OPEC+ là góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như sự ổn định lâu dài vì lợi ích của các nhà sản xuất, người tiêu dùng, nhà đầu tư và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Về tác động của các điều kiện địa chính trị đối với thị trường năng lượng toàn cầu trong năm 2024, ông Al-Ghais khẳng định OPEC vẫn cam kết thực hiện vai trò quan trọng của mình bằng cách tăng cường nỗ lực và hợp tác giữa các quốc gia thành viên để hỗ trợ sự ổn định của thị trường và cung cấp nguồn cung dầu đáng tin cậy, bất chấp những căng thẳng địa chính trị hiện nay trên thế giới.

Đề cập báo cáo tháng 1/2024 của OPEC, ông Al-Ghais cho biết dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2024 sẽ không thay đổi ở mức 2,2 triệu thùng/ngày, với đà tăng trưởng dự kiến được ghi nhận ở cả trong và ngoài khu vực Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Trong quý 1/2024, nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2 triệu thùng mỗi ngày so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến đạt 104,4 triệu thùng/ngày trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục