Già hóa dân số tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu

IMF cảnh báo dân số thế giới già đi nhanh chóng, đe dọa khả năng cải thiện cuộc sống và đặt gánh nặng tài chính lên vai người trẻ.
Ngày 12/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo dân số thế giới đang già đi nhanh chóng đã tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Tạp chí Tài chính và Phát triển số ra tháng 6/2011 cho biết dân số thế giới dự báo sẽ đạt 7 tỷ người vào năm nay và hơn 9 tỷ người vào năm 2050, nhưng tỷ lệ sinh thấp cùng với tuổi thọ của dân số thế giới ngày càng cao đang làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu dân số thế giới.

Vào năm 2050, thế giới sẽ có tới 1,25 tỷ người già trên 60 tuổi và 1 tỷ người đến độ tuổi lao động, trong khi số người dưới 25 tuổi giảm xuống còn 3 tỷ người.

Thay đổi cơ cấu dân số đang đe dọa khả năng cải thiện cuộc sống của người già, đặt gánh nặng kinh tế tài chính lên vai những người trẻ, trong khi tỷ lệ giữa người già và người trong độ tuổi lao động không ngừng tăng lên.

IMF kêu gọi các nước cần lên kế hoạch đối phó với tình trạng già hóa dân số đang tăng lên nhanh chóng. Ở các nước có tốc độ già hóa dân số cao như Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu đã kéo dài thêm gần 1 thập kỷ.

Phương thức và thời điểm các nước cải cách chế độ nghỉ hưu tác động không chỉ đến người nghỉ hưu mà còn tác động mạnh cả đến các nền kinh tế quốc gia và thế giới. Tác động rõ nhất của tình trạng dân số già thể hiện trong các lĩnh vực y tế, tạo việc làm và nhà ở. Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động kinh tế dài hạn tích cực nhất vì như vậy tăng được số lao động tích cực và nhu cầu tiêu dùng. Giảm lợi ích hưu trí có thể làm tăng tỷ lệ tiết kiệm cá nhân, giảm nhu cầu trong nước mặc dù có tác động tích cực đến đầu tư.

Trong khi đó, tăng tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội có thể làm nản lòng người lao động. Nếu các nước hành động phối hợp táo bạo giữa giảm chi phí hưu trí, trong đó ưu tiên tăng độ tuổi nghỉ hưu, nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng và giảm bớt gánh nặng về nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục