Giá lúa mỳ thế giới leo thang vì hạn hán và lũ lụt

Giá lúa mì trên thế giới tăng trung bình 40% do hạn hán và hỏa hoạn tại Nga cùng với lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan và Ấn Độ.
Giá lúa mì trên thế giới đang "nóng"  lên từng ngày do tình hình hạn hán và hỏa hoạn tại Nga cùng với lũ lụt tại Pakistan và Ấn Độ đang rất nghiêm trọng.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá lúa mỳ đã tăng vọt tới 82% kể từ ngày 9/6 đến nay. Còn trên sàn giao dịch chung châu Âu (Euronext), giá loại ngũ cốc chủ chốt này cũng leo thang đến 60% kể từ cuối tháng Sáu vừa qua.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Chính phủ Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ ba thế giới quyết định tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc, trong đó có lúa mỳ, và sản phẩm làm từ ngũ cốc, do tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài hơn một tháng nay trên phần lãnh thổ châu Âu của Liên bang Nga. Dự kiến lệnh cấm sẽ được áp dụng từ ngày 15/8 đến ngày 31/12.

Nhưng người ta không loại trừ bàn tay "thừa nước đục thả câu" của giới đầu cơ đã đẩy giá ngũ cốc này lên mức cao nhất kể từ hai năm nay.

Lúa mỳ, nhu yếu phẩm của hàng tỷ người dân trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ đến miền Bắc Trung Quốc, đã tăng giá một cách đột biến trong mấy tuần lễ qua.

Sau khi tăng 60% hồi tháng Bảy, đầu tuần này, giá lúa mỳ lại leo thang và đang đứng "ngất ngưởng" ở mức 236 euro/tấn trên sàn giao dịch Euronext. Đây là giá cao nhất kể từ hai năm qua. Do đâu mà xảy ra hiện tượng này?

Trước hết là do tình trạng thời tiết tại nước Nga. Quốc gia xuất khẩu lúa mỳ đứng thứ ba trên thế giới đang hứng chịu đợt nắng hạn nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ, tiêu hủy gần 10 triệu hécta đất canh tác.

Chính quyền Nga cũng đã dự báo mùa màng thất bát trong năm nay. Bộ Nông nghiệp Nga dự báo sản lượng ngũ cốc năm nay chỉ đạt khoảng 70-75 triệu tấn, thấp hơn mức dự tính 90 triệu tấn đưa ra đầu năm và giảm 20-25 triệu tấn so với sản lượng năm ngoái.

Xuất khẩu lúa mỳ của Nga trong năm nay sẽ giảm ít nhất 50% vì còn phải giữ lại cho nhu cầu quốc nội. Năm 2009, Nga xuất khẩu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc.

Thêm vào đó, tình hình tại Ukraine và Kazakhstan, hai vựa lúa mỳ khác của thế giới, cũng rất bi quan vì hạn hán. Tại các nước Tây Âu và Trung Âu, từ Pháp, Đức cho đến Hungary, Bulgaria và Rumani, thu hoạch cũng chịu tác động tiêu cực vì thiếu mưa, thiếu nước.

Trong khi đó, ở nhiều vùng khác trên thế giới, ngành trồng trọt lúa mỳ lại bị mưa lũ tàn phá. Cùng đứng ở vị trí thứ ba về xuất khẩu ngũ cốc như Nga, Canada bị các trận mưa lớn hồi mùa Xuân vừa qua phá hỏng nhiều cánh đồng phì nhiêu, làm thiệt hại 17% sản lượng.

Tại châu Á, hai vựa lúa mỳ của thế giới là Ấn Độ và Pakistan năm nay không bị hạn hán, nhưng lại phải hứng chịu các đợt lũ lụt liên tiếp. Bình thường, sản xuất lúa mỳ của hai nước này chiếm tới 15% thị phần thế giới.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất công bố hồi tháng Bảy của tổ chức liên chính phủ Hội đồng Ngũ cốc thế giới đặt tại London, thế giới không thiếu lúa mỳ. Dù sản lượng năm nay giảm xuống còn 651 triệu tấn, thì vẫn còn trữ lượng tồn kho kỷ lục hồi năm ngoái là 197 triệu tấn.

Như vậy, với 884 triệu tấn lúa mỳ của hai mùa góp lại, thế giới vẫn dư thừa thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ 655 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, giá lúa mỳ lại vẫn tăng cao như sắp có biến động là do những kẻ đầu cơ trên sàn giao dịch Mỹ và châu Âu.

"Đánh hơi" được món lợi béo bở này, nhiều công ty đầu tư tài chính Anh, Mỹ cũng đổ xô vào thị trường lúa mỳ, đẩy giá loại nhu yếu phẩm này leo thang chóng mặt. Cách đây hai năm, thị trường gạo thế giới cũng đã nếm mùi đầu cơ sau khi Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) báo động về nạn đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục