Giá nguyên liệu tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế

Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá cao khiến thị trường nguyên liệu một lần nữa bùng nổ, gây lo ngại cho các nhà sản xuất công nghiệp.

Hiện tượng này được xem là khác thường, bởi vì kinh tế thế giới, ngoại trừ tại châu Á, vẫn hồi phục một cách chậm chạp và yếu ớt, trong khi giá USD tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá nikel tăng 32%, platine ở mức cao nhất trong hai năm trở lại đây và bột giấy cũng đã thiết lập kỷ lục cao nhất trong 15 năm qua.

Đối với cao su, trong vòng một năm, giá cũng tăng 143%.

Giá quặng sắt thì đang được các công ty khai mỏ công bố sẽ tăng 100%, còn giá dầu thô có xu hướng tiến dần tới 90 USD/thùng, so với 33 USD/thùng vào thời điểm khủng hoảng kinh tế gay gắt nhất.

Thực tế trên cho thấy thị trường nguyên liệu lại một lần nữa bùng nổ, khiến cho các nhà sản xuất công nghiệp lo ngại.

Hiện tượng này được xem là khác thường, bởi vì kinh tế thế giới, ngoại trừ tại châu Á, vẫn hồi phục một cách chậm chạp và yếu ớt, trong khi giá USD tăng, hai yếu tố nếu bình thường có thể làm giá nguyên liệu giảm. Hơn nữa, lượng hàng nhập kho của tất cả các loại sản phẩm này vẫn tăng, một lý do lẽ ra khiến cho giá cả phải giảm.

Theo các nhà phân tích, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân gần 12% năm, Trung Quốc nhập khẩu gần như toàn bộ khối lượng nguyên liệu gia tăng.

Năm 2009, Trung Quốc nhập tới 104 triệu tấn than đá, mặc dù đã sản xuất trong nước 3,3 tỷ tấn. Do nước này tiêu thụ một phần ba lượng kim loại cơ bản thế giới, nên không có gì ngạc nhiên khi giá cả tăng vọt.

Hoạt động của các nhà đầu tư là một nguyên nhân khác gây lạm phát. Giới đầu cơ quay trở lại sau khi chịu những khoản lỗ khổng lồ năm 2008 và 2009, với những giao dịch lớn.

Hãng tư vấn Anh Bloomsbury Minerals Economics (BME), phân tích về tác động từ sự tham gia của các ngân hàng vào thị trường kim loại từ năm 2000 đến nay, cho rằng không thể phủ nhận hậu quả của việc các ngân hàng đầu tư ồ ạt vào thị trường nguyên liệu.

Chẳng hạn, trong trường hợp giá đồng, BME ước tính các nhà đầu tư tài chính phải chịu trách nhiệm hơn 30% trong cơn sốt giá năm 2007-2008. Tình trạng này có thể gây ra biến động giá lớn, làm cho giá cả có thể dao động lên đỉnh cao và xuống mức thấp nhất trong thời gian rất ngắn, tạo tình trạng khan hiếm ảo.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde cho rằng tình trạng này rất nguy hiểm. Ngày 13/4, bà đã yêu cầu Liên minh châu Âu có biện pháp "đưa các nghiệp vụ đầu tư phái sinh trên thị trường nguyên liệu vào khuôn khổ," như việc thành lập một cơ quan điều tiết giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục