Theo thông tin từ họa sỹ Vũ Đức Hiếu - Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, trong buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật diễn ra tối qua (25/11) tại Hà Nội, 17 tác phẩm đã được bán. Số tiền thu được là 17.900 USD.
Tác phẩm “Đường đi” (chất liệu sơn khắc) của tác giả Phan Cẩm Thượng được bán với giá cao nhất (5.000 USD).
Triển khai phục dựng nhà Lang từ 27/11
Số tiền này cộng với 88,9 triệu đồng thu được từ hai hoạt động gây quỹ cộng đồng trước đó (chương trình nghệ thuật “Ký ức nhà Lang” tại Hòa Bình trong thời gian từ ngày 24/10-15/11/2013 và “Giai điệu núi đồi” tại Hà Nội vào ngày 9/5/2015) sẽ được dùng vào việc phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (số 202 Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã bị cháy vào cuối tháng 10/2013.
“Từ ngày 27/11, bảo tàng quyết định bắt đầu triển khai công tác phục dựng nhà Lang với mục tiêu phục hồi nguyên trạng công trình này. Số tác phẩm chưa bán từ triển lãm ‘Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh’ sẽ tiếp tục đươc giới thiệu tại trang web nhalang.muong.vn, nhằm kêu gọi sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng, đảm bảo cho tiến trình phục dựng di sản nhà Lang được thuận lợi,” họa sỹ Vũ Đức Hiếu cho biết.
Những tác phẩm được bán đấu giá lần này thuộc nhóm 61 tác phẩm nghệ thuật của 57 họa sỹ, nhà điêu khắc ở khắp ba miền đất nước đã được trưng bày tại triển lãm “Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh” từ ngày 23-25/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).
Họa sỹ Thành Chương cho rằng: “Đây là một cuộc ‘xuống đường’ của giới mỹ thuật cả nước. ‘Xuống đường’ để khơi dậy ý thức về di sản văn hóa cho cộng đồng. Các nghệ sỹ đã đóng góp những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện tinh thần ‘không vô can’ trước việc di sản văn hóa của dân tộc bị phá hủy.”
Theo họa sỹ Nguyễn Thế Sơn, nhà Lang Mường không đơn thuần chỉ là một ngôi nhà mà nó đã trở thành một biểu tượng, nơi lưu trữ và truyền tải những tầng ký ức suốt chiều dài lịch sử của một cộng đồng người. Bởi thế, việc ngôi nhà Lang cuối cùng bị cháy là sự đứt gãy ký ức tập thể của một cộng đồng có sức sống mạnh mẽ với bản sắc riêng.
Hướng đi mới cho mỹ thuật Việt Nam
Bên cạnh đó, “Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh” còn cho thấy một hướng đi mới trong việc giới thiệu, quảng bá và đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. 61 tác phẩm nghệ thuật đóng góp cho “Giấc mơ hồi sinh” của nhà Lang thuộc nhiều thể loại (tranh, ảnh, tượng, sản phẩm gốm…) trên nền nhiều chất liệu: vải, giấy, sơn dầu, đất sét, màu nước…
Những nghệ sỹ tham gia ủng hộ tác phẩm cho dự án thuộc nhiều thế hệ (bao gồm những nghệ sỹ đã thành danh, tạo được dấu ấn riêng và những gương mặt mới trong đời sống mỹ thuật Việt Nam) như: Trương Bé, Thành Chương, Lý Trực Sơn, Đào Anh Khánh, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Phạm An Hải, Đào Hải Phong, Trần Việt Phú, Thái Nhật Minh…
“Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh” giúp công chúng hình dung một bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật đương đại Việt Nam. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, sự gặp gỡ này giống như cuộc đàm thoại giữa các thế hệ mà hành trình sáng tạo của họ trải dài từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay.
“Lâu lắm rồi người ta mới thấy nhiều nghệ sỹ trong Nam, ngoài Bắc cùng nhau trưng bày tác phẩm như vậy,” ông Phan Cẩm Thượng chia sẻ.
Quan sát sự chuyển động của đời sống mỹ thuật Việt Nam thời gian qua, nhà nghiên cứu này cho biết, từ khoảng sau năm 1990, những biến động, bất an, sự bề bộn của đời sống xã hội hầu như ít được các nghệ sỹ thành danh từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước quan tâm.
“Sự bàng quan này là một vấn đề của mỹ thuật. Nó lấy đi sức sống của nghệ thuật vốn cần cọ sát liên tục với đời sống. Trong khi đó, những người trẻ thể hiện thái độ ráo riết hơn. Tuy nhiên, họ lại thiếu sự viễn vọng khi đưa nghệ thuật quá gần sự thật và đòi hỏi sự thật theo ý mình. Hai chiều kích khác nhau này cho thấy bức tranh nghệ thuật Việt Nam còn khá nhiều khoảng trống cần lấp đầy,” họa sỹ Phan Cẩm Thượng cho hay.
Ở một góc độ khác, họa sỹ Phạm An Hải cho rằng, mỹ thuật Việt Nam khá thiệt thòi khi hầu như không có người Việt Nam tham dự các chương trình đấu giá tranh quốc tế, không có người Việt đi mua tranh của người Việt tại các sàn đấu giá này.
“Điều đó làm cho tranh của Việt Nam mãi lẹt đẹt. Vài năm gần đây, giới sưu tầm mới bắt đầu quan tâm tới việc đưa về nước những tác phẩm hội họa Việt Nam được lưu giữ ở nước ngoài. Thế nhưng, đó vẫn chủ yếu là những sáng tác của các nghệ sỹ thuộc thế hệ họa sỹ thành danh từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ mua, sưu tầm theo tinh thần ‘giữ của’ là chính, chứ chưa phải là tinh thần lưu giữ tác phẩm giá trị đã được định danh, định tính. Họ chưa tìm đến tranh của các họa sỹ đương đại,” họa sỹ Phạm An Hải chia sẻ.
Bởi thế, cuộc hội ngộ lần này của các nghệ sỹ trong “Nhà Lang-Giấc mơ hồi sinh” giúp công chúng và giới làm nghề có được hình dung toàn cảnh về mỹ thuật đương đại Việt Nam. Các tác giả, tác phẩm được giới thiệu kỹ lưỡng, tỷ mỷ trong suốt thời gian diễn ra triển lãm./.
Vào khoảng 19 giờ (ngày 24/10/2013), có bốn du khách đến tham quan Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Khi lên nhà Lang cổ, họ đã tự ý đốt lửa sưởi. Ngọn lửa đã bùng cháy ở trên mái nhà.
Kết quả, toàn bộ ngôi nhà và khoảng 200 hiện vật gốc phản ánh cuộc sống và văn hóa của người Mường trưng bày bên trong đã bị phá hủy hoặc rơi vào tình trạng hư hỏng nặng.
Họa sỹ Vũ Đức Hiếu cho biết, nhà Lang là nơi cư ngụ của quan Lang-chức vị cao nhất trong cộng đồng người Mường. Đây là ngôi nhà quan trọng nhất đối với dân tộc Mường về kiến trúc và ý nghĩa trong đời sống tâm linh, văn hóa, sinh hoạt hàng ngày; được truyền lại theo hình thức cha truyền con nối theo tính kế thừa huyết thống của các quan Lang.
Ngôi nhà Lang bị cháy vào cuối năm 2013 có tuổi thọ trên 100 năm, là ngôi nhà Lang cuối cùng của cộng đồng người Mường tại Hòa Bình.