Cơ hội cho báo điện tử

Giải Báo chí quốc gia: Cơ hội mới cho báo điện tử

Giải Báo chí quốc gia lần VII có thêm giải dành riêng cho thể loại báo điện tử với sự lên ngôi của nhiều tác phẩm chất lượng.
Tuy Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 có nhiều giải A hơn hẳn mọi năm (05 giải) nhưng nhiều ý kiến trong Hội đồng chấm giải vẫn cho rằng, vẫn khó để tìm được tác phẩm thật sự xuất sắc và nổi bật giữa “rừng bút.”

Phóng viên báo Vietnamplus đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam sau khi kết quả chung khảo cuộc thi được công bố.

Cơ hội cho báo điện tử...

- Để đánh giá ngắn gọn về chất lượng Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII, ông có thể nói gì?


Ông Hà Minh Huệ: Giải năm nay có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, đồng đều nhưng lại thiếu tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề, có sức ảnh hưởng xã hội và thể hiện một cách quyết liệt, hấp dẫn.

- Cơ cấu giải lần này có điểm gì mới không, thưa ông?


Ông Hà Minh Huệ: Điểm mới năm nay là có giải dành riêng cho báo điện tử và báo ảnh.

Báo điện tử hiện là loại hình báo chí mới, phổ biến rộng rãi và thu hút nhiều độc giả. Trong giải báo điện tử lại phân ra làm hai loại giải thể hiện sự quan tâm chung của Hội đồng giải báo chí Quốc gia tôn vinh các tác phẩm, tác giả thuộc báo điện tử.

Vì ảnh cũng là một phương tiện thông tin rất tốt, không dùng ngôn ngữ nói nhưng bằng hình ảnh với kỹ thuật, kỹ năng của nhà báo cho ra đời những tác phẩm ảnh tốt đã gây ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Vì thế ảnh cũng được dành cho một giải độc lập.

- Báo điện tử xuất hiện ở Việt Nam đã từ nhiều năm nay, được đông đảo độc giả quan tâm và khẳng định được vị thế nhưng tại sao đến bây giờ mới được xét đứng ở một hạng mục riêng, như thế liệu có phải quá thiệt thòi cho những người làm báo điện tử?

Ông Hà Minh Huệ:
Những năm trước, các tác phẩm báo điện tử được chấm chung với các thể loại báo chí khác chứ không tách ra. Năm nay, các nhà chuyên môn nhận định báo điện tử có những đặc thù riêng nhất định như có khả năng truyền phát thông tin nhanh, đa dạng, kết hợp đa phương tiện nhờ ứng dụng kỹ thuật số nên được tách ra làm thể loại riêng và được quyết định ngay sau mùa giải năm trước.

Mặt khác, báo điện tử đang ngày càng lớn mạnh cả về hiệu quả thông tin lẫn lực lượng nhà báo...

Ở hạng mục giải dành cho báo điện tử có nhiều tác phẩm rất hay tuy nhiên vẫn khó xác định đâu là báo in chuyển sang, đâu là báo điện tử độc lập tự sáng tác. Cho nên, chúng tôi rất muốn có những tác phẩm báo điện tử thuần túy, mang nét riêng của báo điện tử như: vietnamplus, vnexpress, vietnamnet...

Còn lại đa số các báo điện tử khác đều là “phiên bản” của báo in, đành rằng cũng có những tác phẩm mới nhưng đa số là lấy lại từ báo in chuyển sang.

- Với tư cách là người trong Hội đồng giám khảo thì ông ấn tượng nhất với loạt bài thuộc chủ đề nào, nổi bật hẳn lên về chất lượng?

Ông Hà Minh Huệ: Chất lượng giải báo chí năm nay khá đồng đều, có một số bài viết khá ấn tượng như: những bài phân tích tình hình phát triển kinh tế, những nỗ lực của Chính phủ để giải quyết những khó khăn kinh tế; những tác phẩm viết về công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng...

Tôi cũng có nhiều ấn tượng với báo chí của một số địa phương, phóng viên không quản ngại khó khăn lên những vùng sâu vùng xa để viết tin, quay phim, chụp ảnh... Đấy là việc làm rất cần thiết trong đời sống hiện nay.

Tác phẩm cần hiệu ứng xã hội

- Mùa giải năm nay những đề tài như thế nào dễ nhận được sự “ưu ái” của Hội đồng chấm giải, thưa ông?


Ông Hà Minh Huệ: Giải báo chí luôn ưu tiên chất lượng lên hàng đầu. Tiêu chí chất lượng ở đây là phải phản ánh đúng, nhanh nhạy, hấp dẫn, có sức cuốn hút bằng các đề tài, những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội của đất nước.

Báo chí phải phản ánh được đầy đủ những vấn đề quan trọng của đất nước đặt ra, ví dụ như trong năm 2012 các tác phẩm báo chí viết về những đề tài được cả nước quan tâm như: thực hiện chỉ thị 03 của Bộ chính trị; học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết trung ương IV; một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; những vấn đề về chủ quyền biển đảo... Đó là những chủ đề trọng tâm được dư luận hết sức quan tâm.

- Mỗi kỳ Giải báo chí Quốc gia thường phát hiện thêm những cây bút tốt nhưng vấn đề ở đây là nội dung, đề tài thường vĩ mô, ở tầm cao. Điều này cũng khiến nhiều phóng viên chuyên viết mảng dân sinh, xã hội mặc dù họ có những tác phẩm rất tâm huyết, được bạn đọc quan tâm nhưng không có nhiều cơ hội với giải báo chí quốc gia. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Hà Minh Huệ:
Tất cả các phóng viên, nhà báo đều có cơ hội tham gia giải báo chí như nhau miễn là đạt được yêu cầu chất lượng: phản áng được đúng tình hình thời sự, kinh tế, chính trị, những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Tiêu chuẩn thứ hai là về kỹ thuật, năng lực, kỹ năng làm báo để tạo ra những tác phẩm phát thanh, truyền hình, báo viết... tốt đều sẽ được giải. Ví dụ cùng một chủ đề nhưng nhiều tác giả ở các báo viết khác nhau thì báo nào viết thu hút hơn, đúng trọng tâm, đúng dư luận thì sẽ được giải.

Kể cả những vấn đề dân sinh, đời sống hàng ngày như xóa đói giảm nghèo, gương lao động sáng tạo, gương người tốt việc tốt cũng có cơ hội được giải.

- Ông có gợi ý nào cho những bạn trẻ muốn tham gia Giải Báo chí quốc gia năm tới để sự tham gia đó cho đúng và cho trúng?

Ông Hà Minh Huệ: Những tác phẩm báo chí không phải viết để đi thi mà trước hết nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị. Một khi tác phẩm báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì đó cũng là một trong những tiêu chí để dự thi giải báo chí quốc gia.

Hội đồng báo chí chúng tôi mong muốn tìm thấy những tác phẩm chất lượng có tầm ảnh hưởng lớn, có hiệu ứng xã hội cao để trao giải.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục