Giải cứu củ cải trắng: Chuyện mạn tính ngành nông nghiệp

Để tiêu thụ nông sản bền vững, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, phải biến người nông dân thành cổ đông của các nhà máy và cho họ thấy được quyền lợi lâu dài khi bắt tay với doanh nghiệp.
Giải cứu củ cải trắng: Chuyện mạn tính ngành nông nghiệp ảnh 1Trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh có 80 hécta trồng củ cải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải cứu nông sản là câu chuyện không mới trong những năm gần đây. Từ hành tím, dưa hấu, thanh long, đến thịt lợn và mới đây nhất là củ cải tại Mê Linh (Hà Nội) đã phải kêu gọi sự chung tay, trợ giúp của doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo các chuyên gia, nếu không giải quyết căn cơ bài toán sản xuất và thị trường mà cụ thể hơn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì điệp khúc "Được mùa mất giá, được giá mất mùa" sẽ luôn là chủ đề nóng.

[Hà Nội: "Giải cứu" hơn 1.000 tấn củ cải trắng ế ẩm trong 5 ngày tới]

Giá giảm, sản phẩm bị ùn ứ

Trên địa bàn xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) có khoảng 305ha để sản xuất hoa, rau củ, su hào, bắp cải, bí xanh, củ cải, trái cây... trong đó diện tích trồng củ cải khoảng 80 hécta theo hướng an toàn, tiêu chuẩn VietGap (chiếm 26,3% diện tích sản xuất rau).

Ủy ban huyện Mê Linh cho biết, có tới 95% sản lượng được tiêu thụ qua thương lái, chợ dân sinh và chỉ 5% tiêu thụ qua các siêu thị, chuỗi thực phẩm như Fivimart, BigC, Vinmart...

Thông tin từ xã Tráng Việt cho biết, nguyên nhân tồn đọng số lượng lớn củ cải trên địa bàn những ngày gần đây là do người dân sản xuất gối vụ đúng vào dịp Tết, trong khi các doanh nghiệp nghỉ nhiều, sức mua giảm.

Trong khi đó, chia sẻ thêm về câu chuyện đầu ra cho nông sản trên địa bàn, theo ông Vũ Văn Kỳ, Giám đốc Hợp tác xã Đông Cao, sau Tết, thời tiết thuận lợi cho các loại rau củ và nông sản, do sản lượng tăng nên giá bán giảm. Ngoài ra, một số gia đình nông dân và thương lái gom hàng chờ giá cao để bán ra đã dẫn đến tồn đọng khá lớn, không kịp bán trong khi giá của sản phẩm này liên tục đi xuống.

Đến thời điểm này, theo thống kê của xã Tráng Việt, hiện nay, diện tích sản xuất củ cải đến thời gian thu hoạch khoảng 20 hécta, sản lượng ước khoảng 1.200 tấn và khó khăn trong tiêu thụ trong vòng 2 tuần tới.

Giải cứu củ cải trắng: Chuyện mạn tính ngành nông nghiệp ảnh 2Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội xuống trực tiếp xã Tráng Việt để tìm giải pháp hỗ trợ người nông dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Gắn lợi ích của nông dân với nhà máy

Ngay sau khi thông tin về tình trạng tồn đọng diễn ra, thành phố Hà Nội và nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, xuống tận địa bàn xã Tráng Việt để cùng bàn giải pháp và hỗ trợ người dân tiêu thụ củ cải.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với Hợp tác xã Đông Cao để tiêu thụ ​sản phẩm cho người dân.

Tuy vậy về lâu dài, đại diện Fivimart cũng kiến nghị Nhà nước có giải phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư máy sấy củ cải để có thể tiêu thụ quanh năm, tránh dồn ứ cũng như có hướng để sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, đại diện siêu thị Big C Garden cũng cho biết, trong tuần tới, doanh nghiệp này sẽ hỗ trợ và có thể tiêu thụ từ 10-15 tấn củ cải cho người dân xã Tráng Việt, còn về lâu dài siêu thị sẽ ký kết hợp đồng với Hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm, theo yêu cầu đảm bảo thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.

Có thể thấy, việc đầu ra cho ngành nông sản là vấn đề không mới. Chuyên gia Vũ Vinh Phú thì cho rằng, đây là câu chuyện "mạn tính" của ngành nông nghiệp và ​khi không có giải pháp căn cơ thì tình trạng trên sẽ ​lại tái diễn.

Đưa ra đề xuất, theo chuyên gia này, phải biến người nông dân thành cổ đông, gắn người nông dân vào nhà máy và cho họ thấy được quyền lợi lâu dài khi bắt tay với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài, có như vậy mới tạo ra sự bền vững cho ngành nông nghiệp.

Còn về lâu dài, ông Phú kiến nghị Nhà nước cần tập trung tái cơ cấu lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là đẩy nhanh các chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, tạo ra một chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó nâng sức cạnh tranh của ​các sản phẩm nông nghiệp ​Việt Nam.

​Thực tế hiện nay, vấn đề liên kết trong nông nghiệp ngày càng trở lên rất quan trọng. Một vài hộ nông dân cá thể, hoặc sản xuất mạnh mún, nhỏ lẻ sẽ không thể làm được điều này.

Từ câu chuyện củ cải tại xã Tráng Việt huyện Mê Linh, để đảm bảo sản phẩm có đầu ra ổn định, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần nắm bắt cung-cầu của thị trường để định hướng sản xuất.

Đặc biệt, việc sản xuất sản phẩm nông sản cần áp dụng khoa học kỹ thuật đưa sản xuất theo chuỗi và có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để đưa vào kênh phân phối hiện đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục