Giải mã Bảo vật Quốc gia: Bí ẩn hai hiện vật bị gãy từ tay Bồ tát Tara

Các hiện vật bị gãy từ tượng Bồ tát này mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của vương quốc Chăm-pa thời kỳ Indravarman II, thời kỳ Phật giáo và Ấn Độ giáo tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau.

Từ lâu nay, văn hóa Chăm đã nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á nhờ có sự giao thoa đặc sắc của văn hóa bản địa với những tôn giáo lớn bậc nhất như Ấn Độ giáo, Phật giáo và cả Hồi giáo.

Tiêu biểu cho ảnh hưởng Phật giáo là pho tượng Bồ tát Tara hay Laksmindra Lokesvara. Tài liệu nghiên cứu cho biết pho tượng đồng được đúc trong thời kỳ Đồng Dương. Thời kỳ này trải dài từ cuối thế kỷ thứ 9-10, được sử sách ghi nhận là giai đoạn hưng thịnh nhất của Vương quốc Chiêm thành xưa.

Theo tài liệu nghiên cứu từ bảo tàng, nhờ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và di sản đặc biệt, pho tượng nữ thần này được công nhận là bảo vật quốc gia ngay trong đợt đề nghị đầu tiên, năm 2012. Giới chuyên môn đánh giá đây không chỉ là tượng Bồ tát bằng đồng quan trọng bậc nhất của Chămpa, mà còn của nghệ thuật tôn giáo khu vực Đông Nam Á.

Giải mã Bảo vật Quốc gia: Bí ẩn hai hiện vật bị gãy từ tay Bồ tát Tara ảnh 1Cận cảnh và toàn cảnh pho tượng gốc với vẻ huyền bí, có màu xanh ngọc từ chất liệu đồng bị oxy hóa, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. (Ảnh: Bảo tàng cung cấp)

Hiện nay, tượng gốc đang được Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu trữ, có màu xanh ngọc đặc trưng từ chất liệu đồng bị oxy hóa. Phiên bản đang trưng bày là bản sao tỷ lệ 1:1, được đặt ở vị trí trung tâm của bảo tàng. Có thể nói, tượng nữ thần đã gây ấn tượng khá lớn với bất cứ ai ghé thăm nơi đây.

Phân tích về tạo hình, các nhà khoa học chỉ ra tượng nữ thần này sở hữu nhiều điểm đặc trưng về nhân chủng học của người Chăm, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Đồng Dương, như có khuôn mặt vuông vức, lông mày dài, mảnh và giao nhau, cánh mũi nở, khuôn miệng rộng hay môi tương đối dày… Giữa trán nữ thần có con mắt thứ ba (huệ nhãn) để nhìn thấu mọi sự việc. Có ý kiến cho rằng khi xưa, tại huệ nhãn này có đặt một viên ngọc quý.

[[Infographics] 27 Bảo vật Quốc gia được công nhận đợt 11 năm 2022]

Trên đầu, pho tượng Bồ tát được vấn tóc cầu kỳ, bao xung quanh một tượng Phật nhỏ ở chính giữa. Phần thân trên của nữ thần được để trần, lộ ra bộ ngực căng đầy đặn.

Điểm đáng chú ý trên tượng là sự thiếu vắng của hai hiện vật cầm tay (pháp khí). Sử sách cũng ghi lại, năm 1978, người dân làng Đồng Dương, xã Bình Định (nay là Bình Định Bắc thuộc tỉnh Quảng Nam) đã khai quật được pho tượng này. Hai pháp khí trên tay nữ thần khi đó đã vô tình bị làm gãy.

Giải mã Bảo vật Quốc gia: Bí ẩn hai hiện vật bị gãy từ tay Bồ tát Tara ảnh 2Hai pháp khí, được coi là hiện vật thiêng, trên tay tượng Bồ tát Tara/Laksmindra Lokesvara. (Ảnh: Võ Văn Thắng)

Hiện nay trên tượng, tay phải chỉ còn một vật dài nhìn như ngón tay, đây thực chất là cuống của một bông sen. Tương tự, tay trái là một con ốc biển và cũng đã bị gãy.

Lý giải về hai pháp khí này, giới khoa học phân tích: Bông sen tượng trưng cho sự tinh khiết, trí tuệ, tình yêu thương và sự sinh sôi nảy nở. Vật thứ hai, con ốc biển, tượng trưng cho sự chủ trì mọi âm thanh, được coi là vũ khí thanh lọc, tập hợp, ban phát niềm hy vọng cho mọi loài trên thế gian.

[Bảo tàng cổ nhất Việt Nam, nơi lưu giữ báu vật văn hóa Chăm]

Các hiện vật trên tay tương Bồ tát Tara mang ý nghĩa đặc trưng tôn giáo của vương quốc Chămpa thời kỳ Indravarman II. Đó là sự tồn tại song song nhưng giao hòa lẫn nhau của Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Qua quá trình làm việc, pho tượng nữ thần đã được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thế nhưng hai pháp khí thì vẫn chưa được thể trở về với hiện vật gốc./.

(Vietnam+)