Giải mã các cuộc đụng độ trong suốt nhiều năm ở Jerusalem

Jerusalem đã chứng kiến các cuộc đối đầu bạo lực giữa người Do Thái và người Arab trong suốt một thế kỷ qua và hiện vẫn là một trong những thành phố xung đột và tranh chấp gay gắt nhất trên thế giới.
Giải mã các cuộc đụng độ trong suốt nhiều năm ở Jerusalem ảnh 1Chuyển người bị thương trong cuộc biểu tình phản đối các vụ không kích của Israel tại Huwwara, gần thành phố Nablus, Dải Gaza, ngày 18/5/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

AP đưa tin nhiều tuần qua, những người biểu tình Palestine và cảnh sát Israel liên tiếp đụng độ ở trong và xung quanh Thành Cổ Jerusalem - nơi có các địa điểm tôn giáo lớn linh thiêng đối với người Do Thái, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và là tâm điểm của cuộc xung đột Trung Đông.

Jerusalem đã chứng kiến các cuộc đối đầu bạo lực giữa người Do Thái và người Arab trong suốt một thế kỷ qua và hiện vẫn là một trong những thành phố xung đột và tranh chấp gay gắt nhất trên thế giới.

Các cuộc đụng độ mới nhất bùng phát cách đây 1 tháng, sau khi Israel ngăn cản một số cuộc tụ tập của người Palestine vào đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, vốn là thời điểm hết sức nhạy cảm về tôn giáo.

Sau khi những hạn chế đó được nới lỏng, căng thẳng xung quanh kế hoạch trục xuất hàng chục người Palestine khỏi một khu vực ở phía Đông Jerusalem (nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư) tiếp tục thổi bùng các cuộc đụng độ.

[Bạo lực ở Jerusalem: Từ tranh chấp mảnh đất nhỏ đến cuộc đấu tranh lớn]

Mới đây nhất là cuộc đụng độ hôm 10/5, khi lực lượng cảnh sát Israel bắn đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán nhóm người biểu tình ném đá bên ngoài khu nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Núi Đền, khiến hàng trăm người bị thương.

Dưới đây là lý do tại sao Jerusalem dường như luôn trong tình trạng bất ổn và tranh chấp và điều gì đã gây ra đợt bạo lực mới nhất.

Thủ đô của cả Palestine và Israel

Israel coi Jerusalem là thủ đô “vĩnh viễn và không thể tách rời” của Nhà nước Israel.

Trong cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm phía Đông Jerusalem, bao gồm cả Thành Cổ, cùng với khu vực Bờ Tây và Gaza.

Người Palestine muốn những vùng lãnh thổ này thuộc về nhà nước tương lai của họ, với Đông Jerusalem là thủ đô cuối cùng.

Tuy nhiên, Israel đã sáp nhập phần phía Đông của thành phố mặc dù động thái này không được quốc tế công nhận.

Số phận của Đông Jerusalem là một trong những vấn đề hóc búa nhất trong tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, vốn đã bị đình trệ cách đây hơn một thập kỷ.

Ngày 10/5, người Israel đã kỷ niệm Ngày Jerusalem, ngày lễ quốc gia đánh dấu sự kiện sáp nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ nhà nước Do Thái.

Trong những năm gần đây, cứ vào ngày này hàng năm, hàng nghìn người Israel - chủ yếu là những người theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo - lại diễu hành qua Thành Cổ, bao gồm cả Khu phố Hồi giáo đông dân cư, cuộc diễu hành mà nhiều người Palestine coi là hành động khiêu khích.

Trong những ngày qua, những người Israel theo đường lối cứng rắn đã tổ chức thêm các sự kiện khác ở phía Đông Jerusalem, dẫn đến các cuộc xung đột bạo lực và rải rác với người Palestine.

Khu thánh địa linh thiêng

Các cuộc đụng độ hôm 10/5 đã diễn ra trong và xung quanh Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Thành Cổ.

Nhà thờ Hồi giáo là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi và tọa lạc trên một cao nguyên rộng lớn, cũng là nơi có Đền vàng Dome of the Rock mang tính biểu tượng. Người Hồi giáo gọi khu phức hợp này là khu bảo tồn Thánh địa.

Cao nguyên có các bức tường thành bao quanh kiên cố cũng là địa điểm linh thiêng nhất đối với người Do Thái, họ gọi đó là Núi Đền vì đây là vị trí của các ngôi đền trong Kinh thánh.

Người La Mã đã phá hủy Ngôi đền thứ hai vào năm 70 sau Công nguyên, chỉ còn lại Bức tường phía Tây. Các nhà thờ Hồi giáo được xây dựng nhiều thế kỷ sau đó.

Quốc gia láng giềng Jordan đóng vai trò là "người giám hộ" khu Thành Cổ, vốn được vận hành bởi một quỹ Hồi giáo được gọi là Waqf.

Nơi này mở cửa cho khách du lịch vào thời điểm nhất định trong năm, nhưng chỉ những người Hồi giáo mới được phép cầu nguyện ở đó. Bức tường phía Tây là nơi linh thiêng nhất, nơi người Do Thái có thể đến đó cầu nguyện.

Trong những năm gần đây, các nhóm người Do Thái dân tộc chủ nghĩa và tôn giáo đã được cảnh sát hộ tống khi đến thăm khu phức hợp với số lượng ngày càng đông và tổ chức các buổi cầu nguyện bất chấp các quy tắc được Israel, Jordan và các nhà chức trách tôn giáo của đạo Hồi thiết lập sau năm 1967.

Người Palestine coi việc người Do Thái thường xuyên đến thăm và cầu nguyện ở địa điểm này là một hành động khiêu khích, và việc này thường dẫn đến các cuộc ẩu đả hoặc bạo lực nghiêm trọng hơn.

Một số người Israel cho rằng địa điểm này nên được mở cửa cho tất cả các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng đề xuất này bị người Palestine từ chối vì lo sợ cuối cùng Israel sẽ tiếp quản địa điểm này hoặc phân vùng nó. Các quan chức Israel nói rằng họ không có ý định thay đổi hiện trạng.

Các chính sách phân biệt đối xử

Người Do Thái sinh ra ở Đông Jerusalem là công dân Israel, trong khi người Palestine ở Đông Jerusalem được cấp thẻ thường trú nhân nhưng thẻ này có thể bị thu hồi nếu họ sống bên ngoài thành phố trong một thời gian dài.

Họ có thể nộp đơn xin quốc tịch (Israel), nhưng đó là một quá trình kéo dài và không chắc chắn, và hầu hết đều chọn không làm vậy vì họ không công nhận quyền kiểm soát của Israel.

Giải mã các cuộc đụng độ trong suốt nhiều năm ở Jerusalem ảnh 2Toàn cảnh khu định cư Tekoa của Israel tại khu Bờ Tây chiến đóng, phía nam Bethlehem, ngày 17/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Israel đã xây dựng các khu định cư cho người Do Thái ở Đông Jerusalem, với ước tính hiện vào khoảng 220.000 người).

Các khu định cư này đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển của các khu dân cư Palestine, dẫn đến tình trạng quá tải và hàng nghìn ngôi nhà có nguy cơ bị phá dỡ.

Trong các báo cáo gần đây, nhóm nhân quyền Israel B'Tselem và Tổ chức Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại New York (Mỹ) đã trích dẫn các chính sách phân biệt đối xử ở Đông Jerusalem, trong đó lập luận rằng Israel phạm tội phân biệt chủng tộc.

Israel bác bỏ những cáo buộc đó, nói rằng cư dân Jerusalem được đối xử bình đẳng như nhau.

Người Palestine bị dọa trục xuất

Các cuộc đụng độ hàng đêm gần đây bắt đầu xảy ra vào đầu tháng lễ Ramadan, khi cảnh sát Israel đặt các rào chắn bên ngoài Cổng Damascus của Thành Cổ, nơi có đông người tụ tập sau các buổi cầu nguyện buổi tối trong tháng lễ ăn chay của người Hồi giáo.

Sau đó, cảnh sát đã dỡ bỏ các rào chắn, nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục leo thang khi hàng chục gia đình Palestine bị dọa trục xuất khỏi khu vực Sheikh Jarrah, phía Đông Jerusalem.

Nhiều gia đình Palestine đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài với những người định cư Do Thái có ý định mua bất động sản trong các khu dân cư Palestine đông đúc ngay bên ngoài Thành Cổ.

Israel miêu tả đây là một cuộc tranh chấp bất động sản tư nhân, nhưng hoàn cảnh của các gia đình này đã thu hút sự chú ý của thế giới.

Bất ổn lan rộng

Các cuộc đụng độ ở Jerusalem, và đặc biệt là ở Al-Aqsa, thường vang dội khắp khu vực.

Nhóm chiến binh người Palestine Hamas (cai quản Gaza) đã kêu gọi tiến hành một cuộc nổi dậy mới (Intifada) giống như cuộc nổi dậy được châm ngòi bởi chuyến thăm của chính trị gia Israel tới Al-Aqsa năm 2000.

Các chiến binh ở Gaza đã bắn rocket và các quả bóng được gắn thiết bị gây cháy để ủng hộ những người biểu tình khi một lệnh ngừng bắn không chính thức với Israel bắt đầu bị phá vỡ.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Bờ Tây bị chiếm đóng và trong các cộng đồng người Arab sống ở Israel. Một loạt vụ xả súng chết người ở Bờ Tây hồi tuần trước cũng khiến căng thẳng leo thang.

Jordan và các quốc gia Arab khác có quan hệ hữu nghị với Israel đã lên án hành động đàn áp các cuộc biểu tình, trong khi Iran - kẻ thù không đội trời chung của Israel - đã cổ vũ cho các cuộc tấn công của người Palestine. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên án bạo lực và bày tỏ lo ngại về các vụ trục xuất người Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục