Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng

Cùng với việc xây dựng lời thoại, tính cách nhân vật, kịch bản “Gạo nếp, gạo tẻ” “ghi điểm” mạnh với khán giả khi khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết về ẩm thực, truyền thống văn hóa Việt.
Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng ảnh 1Tạo hình của nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân trong phim "Gạo nếp, gạo tẻ." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Sau “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử,” “Gạo nếp, gạo tẻ” tiếp tục là bộ phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài gây “sốt” trên truyền hình và cộng đồng mạng.

“Gạo nếp, gạo tẻ” được mua bản quyền bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013 - “Gia tộc họ Wang” (Wang’s Family). Chuyện phim xoay quanh gia đình bà Mai (nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân thủ vai) với những mâu thuẫn, bị kịch trong các mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, chị dâu-em chồng, sự thiên vị trong cách đối xử với “con cưng” và “con ghẻ,” lối sống trọng giàu khinh nghèo…

Mỗi tập phim “Gạo nếp, gạo tẻ”' trên Youtube có hơn năm triệu lượt xem. Đây cũng là phim Việt duy nhất đang nằm trong Tab Trending (tập hợp những video đang được quan tâm nhiều nhất) của YouTube Việt Nam. Riêng tập đầu tiên đã có hơn 10 triệu lượt xem trong vòng chưa đầy một tuần sau khi đăng tải,

Vậy điều gì đã làm nên sức hút của bộ phim này đối với khán giả Việt?

Những câu chuyện đời thường

Việc Việt hóa một kịch bản “ăn khách” của nước ngoài luôn là “con dao hai lưỡi,” một thách thức lớn với nhà sản xuất. Sự thành công của phiên bản gốc rất dễ khiến người xem đặt ra những kỳ vọng đối với bản Việt hóa và những so sánh khắt khe.

Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng ảnh 2“Gạo nếp gạo tẻ” được Việt hóa từ bộ phim truyền hình đề tài gia đình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2013 - “Gia tộc họ Wang.” (Ảnh: Đoàn làm phim)

Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi bộ phim đã phát sóng được hơn 30 tập, có thể nói, kịch bản phim đã được xử lý phù hợp với bối cảnh, cuộc sống của người Việt. “Gạo nếp, gạo tẻ” có những tình huống, chi tiết rất thực tế, gần gũi với nhịp sống thường nhật.

Qua hoàn cảnh sống, biến cố trong cuộc đời mà các nhân vật gặp phải cũng như cách hành xử của họ, người xem cảm thấy những câu chuyện đó như đi từ cuộc sống vào màn ảnh. Những chi tiết rất thực, rất đời đã góp phần quan trọng thu hút sự chú ý của khán giả.

Cụ thể, theo dõi “Gạo nếp, gạo tẻ,” khán giả sẽ vừa giận vừa thương bà Mai. Trải qua thời kỳ dài sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, bà luôn mong có một cuộc sống vật chất đủ đầy, sung túc. Bước chân về làm dâu, bà vừa phải phụng dưỡng mẹ chồng, vừa chăm lo bốn đứa con và “nuôi báo cô” người em chồng không có việc làm, hàng ngày chỉ biết rong chơi.

Ngay sau khi sinh người con gái đầu lòng (nhân vật Hương - diễn viên Lê Phương thủ vai), bà bị mẹ chồng hắt hủi vì “không biết sinh con trai.” Người xem bất bình khi bà trút nỗi oán hận ấy lên chính cô con gái dứt ruột sinh ra. Rồi khi lớn lên, do “trót dại” mang thai trước khi cưới nên Hương tiếp tục bị bà Mai coi là nỗi nhục của gia đình, đối xử lạnh lùng.

Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng ảnh 3Lê Phương (trái) vào vai Hương - cô con gái bị đối xử lạnh lùng trong "Gạo nếp, gạo tẻ." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Sau khi sinh cô con gái thứ hai (nhân vật Hân - diễn viên Thúy Ngân nhập vai), bà vô tình trúng sổ xố, có một món tiền để sửa sang lại căn nhà. Nhờ đó, mẹ chồng bớt hắt hủi bà Mai. Bà coi Hân là người mang lại sự may mắn cho cuộc đời mình. Đặc biệt, sau khi kết hôn với một doanh nhân, Hân có nhiều điều kiện để mua sắm đồ đạc, giúp đỡ mẹ về vật chất. Vì vậy, Hân lại càng được bà Mai cưng chiều.

Bà tỏ thái độ yêu-ghét ra mặt đối với hai cô con gái và chính bà cũng tạo nên mâu thuẫn giữa hai người con của mình. Không chỉ có vậy, người xem cũng khó kiềm chế cảm xúc khi bà Mai “quay ngoắt 180 độ” trong cách đối xử với con rể. Khi còn là chủ doanh nghiệp, Kiệt (chồng của Hân) luôn được bà Mai chào đón niềm nở, đối xử ngọt ngào. Thế nhưng, khi phá sản, Kiệt ngay lập tức bị mẹ vợ mắng nhiếc và tỏ thái độ coi thường, khinh rẻ.

[''Gạo nếp gạo tẻ'': Ốc đảo giữa sa mạc phim truyền hình miền Nam]

Không tập trung cụ thể vào một tuyến nhân vật hay mối quan hệ cụ thể nào, “Gạo nếp, gạo tẻ” đã tạo nên bức tranh nhiều sắc màu về các mối quan hệ gia đình. Những câu chuyện, tình huống xảy ra trong cuộc sống được đưa lên phim một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng.

Sau nhiều tập phim, khán giả không khỏi “sôi sục” trước thói đanh đá, đỏng đánh và thái độ hỗn láo của Hân. Khi chồng đứng trên bờ vực phá sản, cô vẫn không hề hay biết, vô tư lấy tiền đi mua ôtô mới và đề nghị chồng cho 300 triệu đồng để tổ chức sinh nhật cho mẹ vợ. Quá đáng hơn, khi biết ngày sinh nhật mẹ đẻ trùng với ngày giỗ đầu mẹ chồng, cô lớn tiếng yêu cầu chồng lùi thời gian tổ chức đám giỗ lại, ưu tiên tiệc sinh nhật trước.

Không dừng lại ở đó, khi biết thông tin doanh nghiệp của chồng phá sản, Hân không những không thông cảm, động viên Kiệt mà chỉ khóc lóc trách móc, sợ phải sống cuộc sống nghèo khó.

Giận Hân bao nhiêu, khán giả cũng không hài lòng về cách cư xử của Kiệt (Trung Dũng thủ vai) bấy nhiêu bởi sự nhu nhược. Trước thái độ hỗn láo của Hân với bố mình hay sự quá đà trong những đòi hỏi vật chất của vợ, Kiệt cũng chỉ nín nhịn.

Sự móc nối khéo léo các chi tiết ấy đã thu hút khán giả theo dõi diễn biến bộ phim.

Cùng với việc xây dựng lời thoại, tính cách nhân vật, kịch bản “Gạo nếp, gạo tẻ” “ghi điểm” mạnh với khán giả khi khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết về ẩm thực, truyền thống văn hóa Việt như: sự xuất hiện của những món ăn truyền thống, đậm chất Việt như cà pháo, mắm tôm, sự thành kính trong việc chuẩn bị mâm cỗ trong ngày giỗ của người đã khuất…

Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng ảnh 4Nhiều chi tiết về truyền thống văn hóa Việt được lồng ghép khéo léo trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Sự kết hợp ăn ý của hai thế hệ cũ-mới

“Gạo nếp, gạo tẻ” có sự góp mặt của dàn diễn viên thuộc nhiều thế hệ. Bên cạnh những nghệ sỹ tên tuổi với diễn xuất ấn tượng (như nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân, Mai Huỳnh, Lê Phương, Trung Dũng…), phim còn có sự tham gia của nhiều gương mặt mới (Thúy Ngân, Băng Di, Phương Hằng…).

Điểm đáng chú ý là hai thế hệ nghệ sỹ đã có sự bắt nhịp ăn ý, để không tạo ra độ vênh, khoảng cách về kỹ năng diễn xuất. Thúy Ngân, Băng Di, Phương Hằng nhập vai một cách tự nhiên.

“Ngay từ khi đọc kịch bản, tôi đã cảm thấy rất ấn tượng với nhân vật bà Mai. Bà luôn là một phụ nữ hết lòng vì gia đình. Sự hám của, thiên vị trong cách đối xử với các con chỉ là bề nổi trong cách cư xử và diễn biến tâm lý ở người phụ nữ này. Trong sâu thẳm lòng mình, bà rất thương con. Trước những biến cố trong cuộc sống, bà và các nhân vật khác trong gia đình lại thấm thía câu ‘một giọt máu đào hơn ao nước lã’ và họ không thể lạc mất nhau, bỏ rơi nhau trên đường đời,” nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân chia sẻ.

Giải mã cơn sốt phim ‘Gạo nếp, gạo tẻ’ của cộng đồng mạng ảnh 5Thúy Ngân và Trung Dũng trong "Gạo nếp, gạo tẻ." (Ảnh: Đoàn làm phim)

Trước đây, Thúy Ngân có tham gia đóng phim nhưng không để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Tuy nhiên, với vai Hân đỏng đảnh, ích kỷ trong “Gạo nếp, gạo tẻ,” Thúy Ngân xứng đáng được coi là một trong những “cô vợ đáng ghét nhất” màn ảnh nhỏ năm 2018.

“Ban đầu, khi nhận vai, tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng, khán giả phản ứng gay gắt với vai Hân như vậy. Trên mạng xã hội, tôi phải nhận nhiều bình luận khiếm nhã; đi ra đường, nếu khán giả nhận ra, họ cũng sẵn sàng mắng mỏ với tôi là kẻ xấc láo, ích kỷ… Lúc đầu, tôi cảm thấy hơi bất tiện. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi lại cảm thấy mừng bởi, khán giả phản ứng như vậy tức là vai diễn của mình thành công, tạo được ấn tượng và mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả,” diễn viên Thúy Ngân chia sẻ.

Bên cạnh đó, vẻ ngốc nghếch của cô út Ngọc Minh (do Phương Hằng thủ vai) cũng mang đến những tràng cười, sự thú vị cho người xem.

Sự xuất hiện của những gương mặt mới góp phần tạo nên màu sắc trẻ trung, tươi mới cho “Gạo nếp, gạo tẻ” nói riêng và phim truyền hình Việt hiện nay nói chung.

Phim được phát sóng vào lúc 20 giờ từ thứ Hai đến thứ Tư hàng tuần trên kênh HTV2./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục