Giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ

Các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Giao thông vận tải có kế hoạch giải ngân các dự án trọng điểm, các địa phương phải xác định rõ các nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương, chiều 2/7, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không để dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế, không để xảy ra tình trạng trì trệ, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công.

Kiên quyết không để dịch quay lại

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, tổng hợp các giải pháp, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, triển khai ngay những giải pháp có thể làm sớm, tập trung làm ngay những việc cấp bách.

Theo Thủ tướng, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81% là thấp nhưng vẫn cao nhất Châu Á, tốp đầu thế giới; các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nhiều lãnh đạo, người đứng đầu có trách nhiệm, lăn lộn ngày đêm, tích cực áp dụng khoa học, công nghệ...

[Gói 62.000 tỷ đồng: Bộ trưởng đề nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng]

Nhưng tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, đánh giá các nguy cơ và cơ hội để Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn.

Thủ tướng tiếp tục nêu tinh thần: "vừa phòng thủ dịch bệnh, vừa tiến công trên mặt trận kinh tế, đây là mục tiêu kép, phải thực hiện đồng bộ."

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng cụ thể, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng cao nhất, khoảng 3-4% vì phải phụ thuộc vào dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới. Yêu cầu đặt ra là không được phép suy thoái; phát huy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Chính phủ.

Các Bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh nêu cao tinh thần: "khó khăn gấp đôi, chúng ta phải cố gắng gấp 3; không chùn bước, không bàn lùi." Từ đó, cả nước chung sức đồng lòng; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, hoạt động hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. Từng bộ, ngành, địa phương lập các tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt về giải ngân đầu tư công, cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Với tinh thần kiên quyết không để dịch quay lại, Thủ tướng đề nghị các lực lượng tuyến đầu phải tiếp tục nỗ lực, có giải pháp cụ thể phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Không để trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công

Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương để xem xét tiến độ, trên cơ sở đó kiên quyết điều chuyển vốn trong tháng 8/2020.

"Lần này Thủ tướng, Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ tái diễn, không giải ngân được thì điều chuyển cho đơn vị khác làm; coi giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ảnh 1Thi công công trình thủy lợi cống Kênh Nhánh, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, giúp ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Giao thông vận tải có kế hoạch giải ngân các dự án trọng điểm, các địa phương phải xác định rõ các nhiệm vụ trong thời gian tới, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện tốt chính sách gia hạn nợ, miễn lãi suất, chi phí với những khoản vay mới...; có chính sách cho vay phù hợp với các loại hình doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng thương mại cần chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tăng cường các hỗ trợ về cho vay để trả lương cho người lao động.

"Đồng thời với việc bơm vốn nhiều hơn nữa, thì chú trọng điều hành linh hoạt các công cụ, tiền tệ, các chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác,... Trong đó, yêu cầu là phải giữ lạm phát dưới mức 4%" - Thủ tướng yêu cầu.

Về tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính triển khai ngay các luật, Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế nguyên liệu đầu vào, giảm thuế trước bạ,...

Thủ tướng dẫn chứng, việc giảm phí trước bạ 50% với xe sản xuất trong nước đã tăng doanh số 30-40%, từ đó cho thấy kích cầu thị trường trong nước phải bằng các chính sách cụ thể.

"Chính sách tài khóa trong lúc khó khăn là đặc biệt quan trọng, do đó cần rà soát các chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, cải cách các thủ tục hành chính, dịch vụ công..." - Thủ tướng nhấn mạnh.

Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án đảm bảo cân đối nguồn vốn để triển khai các chính sách hỗ trợ, trong đó có nguồn vay từ các tổ chức quốc tế, nguồn trái phiếu Chính phủ,...

Thủ tướng nhấn mạnh cần tận dụng cơ hội hợp tác, đầu tư khi 2 Hiệp định lớn có hiệu lực, gồm: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA).

Thủ tướng kiến nghị các ngành, các cấp, các địa phương phấn đấu năm nay không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, giữ cán cân thương mại xuất siêu. Trong đó, phấn đấu xuất khẩu gạo đứng thứ nhất thế giới, các tỉnh thế mạnh nông nghiệp đảm bảo "vừa được mùa, vừa được giá"; đồng thời quan tâm xây dựng nông thôn mới, để người dân được nâng cao đời sống.

Trước bối cảnh thời tiết, khí hậu, diễn biến phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần có sự chủ động trong phòng, chống thiên tai, bão lũ, tránh thiệt hại đối với nông nghiệp và đời sống.

Các bộ, ngành tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Ngành Công Thương phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh tế, xã hội trước mắt và giai đoạn tới. Thị trường bất động sản, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội, phát triển đô thị,... cần được nghiên cứu các chính sách để thúc đẩy.

Về thủ tục hành chính, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, thành phố, địa phương trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng cũng nêu lại tinh thần "không hình sự hóa các quan hệ dân sự, thương mại; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, không để công tác này ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp; chú trọng hậu kiểm trong giai đoạn khó khăn này. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó xem xét những vướng mắc về thời gian, thủ tục với doanh nghiệp, người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tổ chức tốt các kỳ thi của học sinh, sinh viên; chú trọng chống đối nước cho trẻ trong mùa nắng nóng; tiếp tục xem xét vấn đề sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm.

Bộ Y tế tiếp tục làm tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân, nhân rộng mô hình khám bệnh từ xa, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác y tế,...

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong đó yêu cầu là không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện kéo dài, phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục