Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm

Để đẩy mạnh xuất khẩu, các bộ ngành cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm ảnh 1May hàng xuất khẩu tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với các biện pháp tích cực và đồng bộ của nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đã có những tín hiệu tích cực khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 57,21 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước.

Dấu hiệu tích cực của hoạt động xuất, nhập khẩu

Theo Tổng cục Thống kê, do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm nên tổng kim gạch xuất, nhập khẩu tháng 7 vẫn giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức giảm này đã được thu hẹp so với những tháng trước.

Tính chung trong 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 374,23 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%; nhập khẩu giảm 17,1%.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 7, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ đầu năm đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,68 tỷ USD). Như vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tháng sau tăng so với tháng trước (sau khi giảm vào tháng 4/2023).

Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.

Trong 7 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%).

Đối với hoạt động nhập khẩu, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu tích cực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 7 nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2023 ước đạt 27,53 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước.

Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm ảnh 2Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tuy nhiên, do đà suy giảm từ đầu năm nên tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,1 tỷ USD, giảm 16,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,4 tỷ USD, giảm 17,7%.

Trong 7 tháng năm 2023 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 37,9%). 

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Hoạt động xuất, nhập khẩu suy giảm trong những tháng qua là do tình hình kinh tế-xã hội thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. 

[Tận dụng hiệp định EVFTA: Hàng hóa Việt Nam gia tăng thị phần vào EU]

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, tiếp cận tín dụng còn gặp nhiều khó khăn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, trong thời gian tới, các bộ ngành cần nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, Mercosur…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Các bộ ngành cần đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Đảm bảo năng lượng và điện cho sản xuất, tiêu dùng trong mùa cao điểm nắng nóng. Kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu các tháng cuối năm ảnh 3Dây chuyền đóng gói sản phẩm bưởi da xanh tại Cơ sở Hương Miền Tây, ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Các bộ, ngành tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục