Giải quyết đất sản xuất cho dân: Không đổi mới luật, khó đạt mục tiêu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng đất đai nông lâm trường rất phức tạp, nếu không đổi mới luật pháp thì rất khó đạt được mục tiêu.
Theo thống kê, cả nước còn trên 300.000 hộ thiếu đất sản xuất. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Theo thống kê, cả nước còn trên 300.000 hộ thiếu đất sản xuất. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về hướng "giải phóng đất nông lâm trường," cũng như giải quyết “tư liệu sản xuất” cho hàng nghìn hộ dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thiếu đất sản xuất, lãnh đạo các bộ chủ quản (Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng đây là vấn đề lớn, cần phải có giải pháp căn cơ, bắt đầu từ việc đổi mới luật pháp cũng như hướng phát triển sinh kế bền vững.

Đổi mới luật pháp: Bài toán căn cơ

Như VietnamPlus đã phản ánh trong loạt bài “Giải phóng đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn,” từ khi thực hiện Nghị quyết 28 năm 2004 đến nay, diện tích đất đai mà các công ty nông lâm trường, ban quả lý rừng chuyển, trả về địa phương quản lý đã lên tới hơn 1 triệu hécta, nhưng số diện tích chưa bàn giao, chưa nhận hoặc nhận bàn giao rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng, chưa đo vẽ, cắm mốc, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng vẫn còn rất lớn.

Thậm chí, một số nơi còn đùn đẩy trách nhiệm, thi hành “mệnh lệnh” còn mang tính trên giấy, để cho các công ty nông lâm trường “tự rà soát, tự đánh giá” đất đai mà họ đang quản lý.

Hệ quả của thực trạng trên không chỉ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, mà còn khiến khoảng 58.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - nơi đang là “vùng lõi nghèo của cả nước” thiếu đất ở và hơn 300.000 hộ dân thiếu đất sản xuất.

Liên quan đến nội dung trên, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường - với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai khẳng định “đây là chủ đề rất thời sự” và cho biết hiện cơ quan này đang tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai sau gần 10 năm thực hiện để nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để có định hướng rõ hơn.

[Chủ tịch Quốc hội: Kịp thời sửa đổi những bất cập trong Luật Đất đai]

Thực tế sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy mặc dù quy định trong văn bản pháp luật đã nêu rất cụ thể về trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nông lâm trường cho nhiều ngành, cơ quan khác nhau, nhưng lại không giao cho một đơn vị nào chịu trách nhiệm chính để thi hành.

Minh chứng là hiện nay các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp đang thuộc quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố; tài sản trên đất là cây, sản xuất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ/ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong khi trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai lại thuộc quyền quản lý của Bộ, ngành Tài nguyên và Môi trường…

Giải quyết đất sản xuất cho dân: Không đổi mới luật, khó đạt mục tiêu ảnh 1Cần thiết lập chuỗi phát triển bền vững dưới những tán rừng. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Nếu không đổi mới luật pháp thì rất khó đạt được mục tiêu,” ông Hà nhấn mạnh.

Cần phát triển bền vững dưới tán rừng

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus về hướng “giảm nghèo bền vững” cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thiếu đất sản xuất, giúp người dân bớt khó khăn nhất là trong bối cảnh dịch COVID đang phức tạp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết hàng triệu hộ nông dân cũng đang khổ vì giá vật từ đầu vào tăng, giá bán xuống, lúa chín trên đồng thương lái không đến mua, dẫn tới nguy cơ bỏ ruộng. 

Dẫn lại câu thành ngữ “ăn của rừng rưng rưng nước mắt,” người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh cần xem rừng là một hệ sinh thái bổ trợ cho cả khí quyển, tăng trưởng xanh, chiến lược xanh; vừa nhìn tài nguyên rừng dưới sự phát triển nhưng cũng phải bảo tồn được hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nhất là văn hóa rừng.

['Giải phóng' đất nông lâm trường: Cần ‘cuộc cách mạng’ quyết liệt hơn]

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Hoan cho biết đang làm đề án thí điểm phát triển sinh kế trồng cây dược liệu dưới những tán rừng. “Chúng ta phải có người dân trồng rừng vì lợi ích của chính họ thì họ mới giữ rừng. Nếu người dân có cơ hội phát triển bền vững dưới những tán rừng thì họ sẽ toàn tâm giữ rừng, bởi họ giữ rừng cho mình cũng là giữ sinh kế cho họ,” ông Hoan chia sẻ.

Với ý nghĩa đó, ông Hoan cho biết sẽ nghiên cứu kỹ đề án theo hướng “phải tổ chức phát triển sinh kế cho người dân, chứ không phải để người dân làm tự phát. Nghĩa là cần đưa người dân vào hợp tác xã và phải hỗ trợ họ từ cây giống, con giống tới đầu ra, phát triển thị trường thành một “dòng kinh tế dưới tán rừng.”

“Cách làm này phải lâu dài, căn cơ chứ không nên chỉ dừng lại những ở những mô hình giảm nghèo tạm thời theo kiểu giao cho người dân miếng đất và để họ tự trồng cây lược liệu, đến khi không có thị trường họ lại phá đi trồng cây khác,” ông Hoan nói thêm./.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013 vào chiều 18/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất chuyên sâu.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Việc sửa đổi luật phải “thật chín,” vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế, có tính khả thi cao.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, nghiên cứu cũng như tiếp thu ý kiến về các nhóm vấn đề cần sửa đổi, để tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng đất đai sau khi sửa đổi luật.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục