Giải thưởng Bùi Xuân Phái vinh danh nhạc sỹ 'Hoa sữa' Hồng Đăng

Ghi nhận tình yêu và cống hiến của nhạc sỹ, Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã vinh danh Hồng Đăng ở hạng mục Giải thưởng lớn.
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (trái) trao giải cho các tác giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (trái) trao giải cho các tác giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm có lẽ nào anh lại quên em…”

Cứ mỗi độ cuối thu đầu đông, mùi hương hoa sữa lại ngọt ngào trên từng con phố Hà Nội khiến người ta không khỏi nhớ tới bài hát “Hoa sữa” của nhạc sỹ Hồng Đăng. Ông đã đóng góp một trong những bài hát lãng mạn nhất về Thủ đô dù ca từ không hề nhắc đến Hà Nội.

Ghi nhận tình yêu và cống hiến của nhạc sỹ, Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã vinh danh Hồng Đăng ở hạng mục Giải thưởng lớn.

Lênh đênh hoa sữa-Mênh mông tình yêu Hà Nội

Giải thưởng lớn là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, được trao hàng năm cho người “có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình.”

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 diễn ra ngày 28/10 đã vinh danh nhạc sỹ Hồng Đăng vì những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô của ông, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội như “Hoa sữa,” “Lênh đênh,” “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”...

Do sức khỏe yếu nên nhạc sỹ không thể đến nhận giải. Phu nhân của ông, bà Lê Anh Thúy bày tỏ sự xúc động trước sự ghi nhận này.

“Nhạc sỹ Hồng Đăng có một tuổi thơ ‘lênh đênh’ vất vả, nên ông giàu cảm xúc, trọng tình cảm và trân quý những ngày tháng sống tại Hà Nội. Cuộc đời truân chuyên dường như là chất liệu cho những sáng tác của ông. Tôi rất xúc động khi những sáng tạo của Hồng Đăng được ghi nhận, nhất là ở thời điểm ông không còn nhiều thời gian nữa,” vợ của nhạc sỹ rưng rưng.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái vinh danh nhạc sỹ 'Hoa sữa' Hồng Đăng ảnh 1Ông Lê Hồng Sơn (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng lớn cho gia đình nhạc sỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quê gốc Yên Thành, Nghệ An, "ông đồ xứ Nghệ" Hồng Đăng ra Hà Nội và học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam khóa I năm 1956. Tác phẩm mà ông trình làng sớm nhất với thủ đô là thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm” (kịch bản Dương Viết Á) đã được Đoàn Ca múa Hà Nội trình diễn năm 1964 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu.

Cũng là sông Hồng, bên cạnh tác phẩm vạm vỡ nói trên, lại là một ca khúc mảnh mai xinh xắn “Người sông Hồng”: "Tôi yêu con sông, yêu từ thưở nhỏ, sông dài uốn mình, vắt ngang thành phố, những chiều tháng năm, con sông nắng chói... Người của sông Hồng dù đi đến đâu vẫn nhớ nhịp cầu Thăng Long yêu dấu..."

[Giải thưởng Bùi Xuân Phái: Văn hóa là động lực để phát triển Thủ đô]

Ông đã ý nhị giải thích cho quá trình Hà Nội hóa của người bốn phương bằng ca khúc “Duyên Hà Nội”: "Dù từ xa về, hay ở quanh đây, một sớm một chiều, em đã thành người Hà Nội. Những bước đầu tiên, ngập ngừng bối rối.”

Có lẽ “Hoa sữa” là ca khúc tình yêu đã được gạn chắt từ những giai điệu trên. Ca khúc này được ông viết trong nhạc phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” nói về công cuộc xây dựng lại Hà Nội sau tháng Chạp “Điện Biên Phủ trên không."

Giải thưởng Bùi Xuân Phái vinh danh nhạc sỹ 'Hoa sữa' Hồng Đăng ảnh 2Nhạc sỹ Hồng Đăng. (Ảnh: TTVH)

Dâng hiến của Hồng Đăng với tình yêu Hà Nội không chỉ là để lại những sáng tác nổi tiếng cho Thủ đô mà ông còn đóng góp ở lĩnh vực đào tạo những thế hệ sau ở Trường Âm nhạc Việt Nam sau đổi là Nhạc viện Hà Nội và bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nhà thơ Thụy Kha, người bạn thân thiết với nhạc sỹ Hồng Đăng trên mọi nẻo đường của cuộc sống, nhất là trong âm nhạc, cho hay: “Ở ông luôn toát lên vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An. Từ năm 1990, tôi về làm Tạp chí Âm nhạc mà ông là Tổng biên tập. Tạp chí Âm nhạc thời ông chỉ đạo đã không chỉ có tiếng vang với độc giả trong làng nhạc trong nước mà cả trên thế giới. Một thư viện của Anh đã lưu giữ những số tạp chí của thời kỳ này.”

Trước đó, đã có nhiều tên tuổi được trao Giải thưởng Lớn gồm: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009); Nhà văn Tô Hoài (2010); Giáo sư Phan Huy Lê (2011); Nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012); Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng (2013); Nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014); Nhà nghiên cứu Giang Quân (2015); Nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Vượng (2016); Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017); Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018); Nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019) và gần đây nhất, năm 2020 là nhạc sĩ Phú Quang.

Dù COVID-19 vẫn bội thu

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng giải thưởng năm nay tiếp tục có một vụ mùa bội thu. Từ 35 “ứng viên” ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử và trao giải cho những Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm “Vì tình yêu Hà Nội.”

Giải Tác phẩm đã được trao cho triển lãm ảnh và cuốn sách “Hà Nội 1967-1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Có 130 bức ảnh màu và đen trắng đã được tuyển chọn, in sách với tiêu chí chỉ tập trung vào đời sống chân thật, dung dị nhất của Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến qua con mắt của một nhiếp ảnh gia nước ngoài với 3 serie: “Hà Nội đời thường”, “Trẻ em thời chiến” và “Lính phi công Mỹ bị giam trong nhà tù Hỏa Lò”. Được tổ chức vào tháng 10/2020, triển lãm ảnh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến do nhiếp ảnh gia Đức Thomas Billhardt chụp trong giai đoạn lịch sử nói trên. Cùng với triển lãm, cuốn sách ảnh cùng tên cũng đã được Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam ấn hành.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái vinh danh nhạc sỹ 'Hoa sữa' Hồng Đăng ảnh 3Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ năm 1967 đến 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới.

Từ Đức, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chia sẻ: “Việt Nam đã cuốn hút tôi ngay từ đầu. Sự dịu dàng của con người, âm nhạc nhẹ nhàng và tất cả những điều đáng yêu đó tương phản với ý chí mạnh mẽ và sự khô cứng của con người trong thời chiến. Văn hóa, tình yêu thơ ca và ẩm thực tuyệt vời đã nhanh chóng khiến tôi trở thành một người bạn và một người ngưỡng mộ Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên này được thể hiện lặp đi lặp lại trong tất cả các chuyến đi của tôi.”

Năm nay, Ban tổ chức trao hai giải Ý tưởng cho Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan.

Trong suốt năm 2021, những thông tin về bản đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng luôn nhận về sự quan tâm của hàng triệu người dân Thủ đô khi nó gắn với câu chuyện đã được bàn tới trong hàng chục năm qua: Đưa Hà Nội thoát cảnh “ngoảnh mặt” với sông Hồng.

Điểm nổi bật ở đồ án này là ý tưởng làm trong sạch môi trường đô thị, dám dành tới 70% diện tích tại khu vực này chỉ để phục vụ cho các công trình trồng cây xanh và tạo không gian công cộng, điều rất khác so với những ý tưởng từng được nhắc tới trước đây.

Theo tiến độ, nhóm thực hiện sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

Giải Ý tưởng thứ hai được trao cho đề xuất Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.

Giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm, xây dựng một hệ thống hạ tầng chống ngập khổng lồ gắn với đường cao tốc ngầm, biến toàn bộ không gian kéo dài 15km của sông thành một công viên văn hóa đặc biệt để phục vụ cộng đồng, đó là giấc mơ lớn cho cả Hà Nội thay vì riêng con sông Tô Lịch.

Giải Việc làm đã được trao cho “Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch COVID-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch.” Cụ thể, ngày 8/9/2021, Kế hoạch số 206/KH-UBND xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân Thủ đô đã được ban hành nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa thời gian “vàng” trong thời gian giãn cách xã hội. Trong tuần "thần tốc" tiêm chủng từ ngày 8-15/9, Hà Nội đã huy động 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động liên tục, các điểm tiêm đều mở tối đa công suất, cao nhất ngày 12/9 tiêm 573.000 mũi. Chỉ trong 1 tuần, ngành y tế Hà Nội đã tiêm lượng vaccine phòng COVID-19 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại; 100% người dân đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi...

Đánh giá về mùa giải năm nay, nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa cho hay đất nước đang trải qua khó khăn do dịch bệnh, có những lúc Ban tổ chức những tưởng phải hủy lễ trao giải năm nay.

“Chúng tôi trăn trở phải làm sao tổ chức cho đàng hoàng, cho xứng tầm mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Thực tế, lễ trao giải cũng đã phải lùi lại nhiều lần. Cuối cùng, thật may mắn là giải thưởng vẫn được tổ chức trang trọng, thậm chí còn được mở rộng quy mô,” ông cho biết.

Bên cạnh đó, với cảm hứng từ hai giải Ý tưởng năm nay, Báo Thể thao và Văn hóa đã phát động Cuộc thi ảnh, video clip “Hà Nội mát xanh” từ ngày 28/10/2021 đến ngày 15/7/2022, nhằm phản ánh một vẻ đẹp vừa mang tính chất truyền thống của một "thành phố sông hồ," vừa mang tính đương đại của Thủ đô xanh. Các tác phẩm được chọn tham gia vòng chấm giải sẽ được công bố chính thức trên website cuộc thi.

Giải Đặc biệt dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trị giá tối thiểu là 30 triệu đồng. Các tác phẩm vào vòng chung khảo và đoạt giải sẽ được triển lãm và trao giải trong khuôn khổ Lễ trao giải Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội vào dịp 10/10/2022./.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cùng các tác giả đoạt giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cùng các tác giả đoạt giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bằng Việt trao “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và Chủ tịch Hội đồng giám khảo Bằng Việt trao “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa Lê Văn Thành phát biểu khai mạc lễ trao giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa Lê Văn Thành phát biểu khai mạc lễ trao giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) Nguyễn Tuấn Anh nhận “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) Nguyễn Tuấn Anh nhận “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa Lê Văn Thành tặng hoa cho đại diện nhà tài trợ và Ban giám khảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa Lê Văn Thành tặng hoa cho đại diện nhà tài trợ và Ban giám khảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận “Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội”. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tiến sỹ Sử học Dương Trung Quốc trao giải “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” cho nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt (tác giả Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Tiến sỹ Sử học Dương Trung Quốc trao giải “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” cho nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt (tác giả Cuốn sách và triển lãm ảnh Hà Nội 1967-1975). (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn (bên trái) và Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hoá Lê Văn Thành trao “Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội” cho đại diện gia đình nhạc sỹ Hồng Đăng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn (bên trái) và Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hoá Lê Văn Thành trao “Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội” cho đại diện gia đình nhạc sỹ Hồng Đăng. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 (năm 2021)

Giải thưởng lớn-Vì tình yêu Hà Nội:

Nhạc sỹ Hồng Đăng

Giải Tác phẩm-Vì tình yêu Hà Nội:

Cuốn sách và triển lãm ảnh “Hà Nội 1967-1975” của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt

Đề cử giải Ý tưởng-Vì tình yêu Hà Nội:

Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Đề cử giải Việc làm-Vì tình yêu Hà Nội:

Chiến dịch tiêm vaccine tại Hà Nội đạt đúng tiến độ cùng với những nỗ lực của lực lượng phòng chống dịch COVID-19 đã giúp Thủ đô vững vàng trong đại dịch.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục