Giảm 50% lệ phí trước bạ, giá xe “nội” lăn bánh giảm đến 300 triệu

Kể từ ngày 1/12/2021 mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%, tương ứng với mức giảm từ hơn 15 triệu đến trên 298 triệu đồng.
Giảm 50% lệ phí trước bạ, giá xe “nội” lăn bánh giảm đến 300 triệu ảnh 1Dây chuyển lắp ráp xe Vinfast. (Nguồn: VinFast)

Kể từ ngày 1/12/2021 mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%, tương ứng với mức giảm từ hơn 15 triệu đến trên 298 triệu đồng. Đây được coi như cú huých giúp thị trường ôtô tăng trưởng trong 6 tháng tới.

Giá xe lăn bánh giảm từ trên 15 triệu đến gần 300 triệu đồng

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19.

Theo Nghị định, kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành.

Kể từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ; trong đó ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống có mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 10% đến 12% áp dụng theo khung giá quy định tính phí trước bạ của Bộ Tài chính.

Như vậy, đây là lần thứ hai trong 2 năm qua, lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm một nửa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn và kích thích tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tại thị trường ôtô Việt Nam hiện nay, xe sản xuất lắp ráp trong nước đang có giá bán thấp nhất từ 302 triệu đối với Kia Morning và cao nhất đến 4,969 tỷ đồng đối với Mercedes-Benz S 450 Luxury.

Cụ thể, Kia Morning MT có giá bán rẻ nhất thị trường ôtô Việt Nam với mức giá 302 triệu đồng. Với việc giảm 50% lệ phí trước bạ (tùy theo mức phí trước bạ đang áp dụng tại các tỉnh thành phố từ 10-12%), người mua xe này chỉ cần nộp 15,1 triệu đến 18,12 triệu đồng, giảm một nửa so với trước đây.

Hoặc các dòng xe đang bán chạy nhất thị trường ôtô Việt Nam như VinFast Fadil (328,5 triệu), Hyundai Accent (495 triệu) hay Toyota Vios (486 triệu) với các phiên bản tiêu chuẩn, giá xe lăn bánh giảm theo mức giảm 50% lệ phí trước bạ tương ứng từ 19,125 triệu đến 22,950 triệu, từ 24,75 triệu đến 29,7 triệu và từ 24,3 triệu đến 29,16 triệu đồng.

Đặc biệt, với dòng xe sang sản xuất lắp ráp trong nước có giá bán càng cao người tiêu dùng sẽ càng được hưởng lợi.

Tại Việt Nam có thương hiệu xe sang Mercedes-Benz lắp ráp trong nước có giá bán cao nhất. Trong đó. mẫu xe đắt nhất là S 450 Luxury có giá niêm yết 4,969 tỷ đồng, lệ phí trước bạ trước đây phải nộp từ 496,9 triệu đến 596,28 triệu đồng, nhưng từ ngày 1/12/2021 khách hàng chỉ phải nộp từ 248,45 triệu đến 298,14 triệu đồng do giảm 50% lệ phí trước bạ…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cũng như lần giảm 50% lệ phí trước bạ của năm 2020, nhiều hãng xe và đại lý đã cắt giảm ngay các ưu đãi đang áp dụng cho khách hàng với lý do nhà nước đã hỗ trợ việc giảm phí này nên họ cắt bớt để bù đắp vào chi phí kinh doanh nên khách hàng không được hưởng lợi.

Kích thích sản xuất và tiêu dùng

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, việc Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế lệ phí trước bạ trong thời gian 6 tháng đối với xe lắp ráp trong nước sẽ là động lực lớn để thúc đẩy sản xuất lắp ráp ôtô trong nước, hạn chế ôtô nhập khẩu và kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

[Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua]

Không chỉ vậy, chính sách giảm phí trước bạ này có thể còn tăng nguồn thu cho ngân sách từ ngành công nghiệp quan trọng này. Dẫn chứng cho điều này, khi Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ trong nửa cuối năm 2020, giá lăn bánh xe mới giảm theo từ 14,95 triệu 298 triệu đồng, đã giúp số lượng xe ôtô đăng ký mới tăng gấp đôi nên dù số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng gần gấp đôi với 14.110 tỷ đồng.

Điều này được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lý giải rằng, cơ quan chức năng muốn có nguồn thu phải nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay để phí và giá cao người dân sẽ không có tiền mua. Do đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sẽ kích thích được nhu cầu của người tiêu dùng, qua đó đẩy mạnh được sản xuất, lưu thông hàng hóa, khôi phục đà tăng trưởng và có nguồn thu trở lại.

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia trong ngành, anh Vĩnh Nam cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ là cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sau đợt dịch và cũng là cơ hội để doanh nghiệp giải phóng số lượng lớn xe tồn kho. Đồng thời cũng để doanh nghiệp tái sản xuất sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa vì giãn cách xã hội.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với mức giảm lệ phí này, khách hàng mua các dòng xe sang có giá hàng tỷ đồng, giá trị được giảm mới lớn. Còn phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn chủ yếu mua xe ở tầm giá trên dưới 500 triệu đồng đổ lại nên mức giảm chỉ từ 30 triệu đồng trở xuống, tương đương với mức ưu đãi của các hãng đang áp dụng lâu nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động tiêu cực từ đại dịch, người dân đang thắt chặt chi tiêu, việc được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ sẽ có tác động lớn đến sức mua trên thị trường ôtô. Dự báo thị trường ôtô 2 tháng cuối năm và 4 tháng đầu của năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh; trong đó tập trung vào xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Còn theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong tháng 10/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường thuộc các đơn vị thành viên VAMA đạt 29.797 xe các loại, tăng 120% so với tháng trước.

Xét về xuất xứ xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 15.344 xe, tăng 110% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.453 xe, tăng 132% so với tháng trước.

Tính chung doanh số bán trong 10 tháng năm 2021, toàn thị trường của VAMA đạt 218.734 xe các loại, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Cũng xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước giảm 9% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, 11 nhà nhập khẩu ôtô được ủy quyền chính hãng tại Việt Nam (VIVA) cũng đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc hội kiến nghị được giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc để đảm bảo tính công bằng nhưng chưa có kết quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục