Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua

Theo nghị định mới, từ ngày 1/12, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành.
Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua ảnh 1Nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, Hải Phòng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/11.

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1990/QĐ-TTg ngày 26/11 về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo quyết định, giảm 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quy định về lãi suất. Thời gian thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách nêu trên áp dụng đối với các khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Sau ngày 31/12/2021, lãi suất cho vay của các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.

[Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước]

Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 103/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước bối cảnh dịch COVID-19.

Kể từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành.

Kể từ ngày 1/6/2022 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ 1/1/2022 đến 30/6/2022.

Dự thảo thông tư nêu rõ có 35 khoản phí, lệ phí được đề xuất giảm từ 10-50%. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường là bằng 70% mức thu phí quy định tại Biểu mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường, ban hành kèm theo Thông tư số 22/2020/TT-BTC ngày 10/4/2020 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường.

Trong tuần qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương, cách ly thuyền viên Việt Nam; trong đó có đề nghị Bộ Y tế gỡ quy định cách ly y tế 2 lần đối với thuyền viên.

Cục Hàng không Việt Nam cũng có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách nội địa thường lệ giai đoạn tới. Đáng chú ý, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất khai thác bay nội địa bình thường từ đầu năm 2022.

Cùng với đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉnh quy định về chuyển giao thông tin hành khách từ ứng dụng PC-COVID trực tiếp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Tin học hóa) và các địa phương (thông qua đầu mối được chỉ định).

Đồng thời, bãi bỏ các quy định liên quan đến tổng hợp, chuyển giao thông tin hành khách trong nội bộ các đơn vị ngành hàng không để đảm bảo tính thống nhất, nhanh chóng, kịp thời của thông tin (các địa phương sẽ tự động tiếp nhận toàn bộ thông tin hành khách mỗi 30 phút từ ứng dụng PC-COVID như đang triển khai tới hãng hàng không, cảng vụ hàng không thời gian qua).

Tại các địa phương, một số tỉnh, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định về việc hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt xuất chi ngân sách tỉnh với số tiền hơn 8,8 tỷ đồng để chi đợt 1 năm 2021 hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục